|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tỷ lệ sinh thấp khiến ngành sữa Trung Quốc đứng trước khủng hoảng thừa

06:00 | 22/09/2024
Chia sẻ
Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng dư thừa sữa do tỷ lệ sinh giảm và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, trong khi các trang trại bò sữa đã mở rộng quy mô trong những năm gần đây, khiến các nông trại nhỏ phải ngừng hoạt động và hạn chế nhập khẩu vào quốc gia đứng đầu thế giới về nhập khẩu sữa.

Theo Reuters, tình trạng dư thừa sữa tại Trung Quốc là hệ quả không mong muốn từ nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh trong việc đảm bảo an ninh lương thực, khuyến khích tiêu thụ và mở rộng ngành sữa. Tuy nhiên, chi phí cao và di chứng từ vụ bê bối sữa nhiễm độc năm 2008, khiến ít nhất 6 trẻ em tử vong và hàng nghìn người phải nhập viện, đã hạn chế khả năng xuất khẩu của Trung Quốc.

Nhu cầu tiêu thụ sữa tại Trung Quốc giảm từ 14,4 kg/người năm 2021 xuống còn 12,4 kg/người năm 2022, do kinh tế chậm lại, người tiêu dùng giảm mua các sản phẩm sữa đắt đỏ như phô mai, kem và bơ, cùng với dân số già đi.

Trong khi đó, sản lượng sữa của Trung Quốc tăng mạnh, đạt gần 42 triệu tấn vào năm 2022, vượt mục tiêu 41 triệu tấn của Bắc Kinh cho năm 2025. Modern Dairy, một trong những nhà sản xuất lớn của Trung Quốc, đã báo cáo lượng đàn bò giảm một nửa trong nửa đầu năm nay và ghi nhận lỗ ròng 207 triệu nhân dân tệ (29,07 triệu USD).

Theo ông Li Yifan, Trưởng bộ phận Sữa tại StoneX, các công ty chăn nuôi bò sữa đang lỗ nặng do bán sữa và thịt. Nhập khẩu các sản phẩm sữa của Trung Quốc, chủ yếu từ New Zealand, Hà Lan và Đức, đã giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1,75 triệu tấn trong tám tháng đầu năm nay.

 Ảnh minh hoạ: Reuters.

Riêng sữa bột, mặt hàng nhập khẩu sữa hàng đầu, giảm 21% xuống còn 620.000 tấn. Sau khi Bắc Kinh kêu gọi tăng sản lượng sữa vào năm 2018 để đảm bảo tự cung tự cấp thực phẩm, nhiều trang trại đã mọc lên và hàng trăm nghìn con bò Holstein được nhập khẩu để nuôi.

Tuy nhiên, tỷ lệ sinh giảm đã kéo theo nhu cầu về sữa công thức cho trẻ em giảm mạnh. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc năm 2023 chỉ đạt mức kỷ lục thấp 6,39 trên 1.000 người, giảm gần một nửa so với mức 12,43 năm 2017.

Thị trường sữa công thức cho trẻ em của Trung Quốc giảm 8,6% về sản lượng và 10,7% về giá trị trong năm tài chính 2024 và dự kiến tiếp tục giảm trong năm 2025. Dù vậy, ngành sữa Trung Quốc vẫn gặp khó khăn trong việc thay đổi thói quen tiêu dùng từ "uống sữa" sang "ăn sữa" để gia tăng tiêu thụ các sản phẩm như phô mai, kem và bơ.

Để giải quyết tình trạng dư thừa, các nhà sản xuất Trung Quốc đang chuyển sữa tươi thành sữa bột, với tồn kho sữa bột cuối tháng 6 đạt hơn 300.000 tấn, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu sữa bột nguyên chất của Trung Quốc gặp hạn chế do ký ức về vụ bê bối sữa nhiễm độc vẫn còn đọng lại trong tâm trí người tiêu dùng, khiến họ ưa chuộng các nhãn hiệu sữa nước ngoài hơn.

Trong nửa đầu năm 2024, Trung Quốc đã xuất khẩu 55.100 tấn sản phẩm sữa, tăng 8,9% so với cùng kỳ, nhưng con số này vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ so với lượng dư thừa.

Chi phí sản xuất cao do phụ thuộc vào thức ăn chăn nuôi đắt đỏ cũng là một khó khăn lớn. Chi phí sản xuất sữa của Trung Quốc gần như gấp đôi so với New Zealand, nơi bò sữa được nuôi thả tự nhiên.

Dư thừa sữa trong nước đã tạo điều kiện cho Bắc Kinh nhắm đến các sản phẩm sữa của Liên minh châu Âu trong một cuộc tranh chấp thương mại, nhưng điều này không đủ để giải quyết tình trạng cung vượt cầu.

Theo bà Tanya Bhatia, chuyên gia phân tích tại Economist Intelligence Unit, việc hạn chế nhập khẩu sữa từ EU có thể giúp giảm bớt áp lực trong ngắn hạn nhưng không thể giải quyết các vấn đề cơ bản như sản xuất quá mức và nhu cầu giảm.

Trong dài hạn, các nhà cung cấp vẫn nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng tại Trung Quốc. Ông Charlie McElhone, Tổng giám đốc ngành sữa bền vững tại Dairy Australia, cho biết Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất và ngành công nghiệp sữa của nước này vẫn có tiềm năng phát triển trong tương lai, đặc biệt là với các sản phẩm phô mai.

Thành Vũ