|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Elon Musk đòi đấu tay đôi với TT Putin nhưng sự 'sống còn' của Tesla đang nằm trong tay một công ty Nga

11:06 | 17/03/2022
Chia sẻ
Phần lớn lượng nhôm làm thân vỏ xe Tesla đang được Elon Musk nhập khẩu trực tiếp từ công ty Nga.
Elon Musk đòi đấu tay đôi với TT Putin nhưng sự 'sống còn' của Tesla đang nằm trong tay một công ty Nga - Ảnh 1.

Bên trong một nhà máy sản xuất xe điện của Tesla. (Ảnh: Getty Images).

Elon Musk đã được ủng hộ và khen ngợi hết lời vì những đóng góp và hỗ trợ Ukraine chống lại Nga trong cuộc xung đột đang diễn ra. Trong khi công ty hàng không vũ trụ SpaceX sử dụng hệ thống vệ tinh Starlink cung cấp internet cho quốc gia này thì hãng xe điện Tesla đang cung cấp các trạm năng lượng cần thiết cho Kyiv.

Tuy nhiên, việc ngả về phía Ukraine của Elon Musk có tác động tới tình hình kinh doanh của công ty vị tỷ phú này hay không, khi theo nguồn tin nội bộ mà CNBC có được, Tesla đang mua hàng triêu euro tiền nhôm từ Rusal, một công ty dưới sự kiểm soát của nhà tài phiệt Nga Oleg Deripaska.

Rusal đã từng bị trừng phạt bởi Bộ Ngân Khố của Mỹ do nhiều hành vi kinh doanh bất hợp pháp, tuy nhiên lệnh phạt đã được dỡ bỏ bởi chính quyền tổng thống Donald Trump vào 2019. Tesla đã bắt đầu mua nhôm từ Rusal vào cuối năm 2020.

Phần lớn lượng nhôm từ Rusal được Tesla xử lý tại nhà máy sản xuất ô tô nằm gần ngoại ô Berlin và chủ yếu sử dụng trong phần vỏ của chiếc Tesla Model Y. Số còn lại được xử lý cho những mục đích khác tại một nhà máy chưa vận hành chính thức tại thành phố Brandenburg (Đức). Hiện chưa có dữ liệu nào thể hiện rằng lượng nhôm này được sử dụng trong các khâu sản xuất tại Mỹ.

Sự hợp tác với một tập đoàn Nga không hẳn là một điều kiêng kỵ khi phần lớn các công ty sản xuất ô tô hàng đầu thế giới đều nhập vật liệu từ ít nhất một công ty đến từ Nga. Nhưng với những động thái gần đây, mô hình kinh doanh vốn bình yên của Elon Musk đang phải đối đấu với các thách thức pháp lý từ Nhà Trắng cho đến tình hình lạm phát, khiến giá cả vật liệu thô tăng lên chóng mặt. 

Elon Musk không cung cấp thêm bất cứ thông tin gì về những giao dịch trong quá khứ với Rusal, cũng như dự định ngừng hợp tác với tập đoàn Nga trong tương lai.

Rusal là nhà xuất khẩu nhôm lớn thứ hai thế giới và là một trong những tập đoàn lớn nhất từng nhận lệnh trừng phạt của Mỹ. Quyết định dỡ bỏ lệnh phạt chỉ được tiến hành khi Oleg Deripaska chấp nhận nhượng lại quyền kiểm soát EN+, công ty mẹ của Rusal, cho các đối tác quốc tế và chấp nhận những yêu cầu của Bộ Ngân Khố Mỹ. 

Từ khi xung đột nổ ra, Rusal vẫn may mắn vượt qua khỏi danh sách những công ty bị cấm vận. Tuy không có thông tin rõ ràng về quan hệ giữa Oleg và Tổng thống Putin, nhưng theo Reuters, có vẻ như Oleg đã "khéo léo" lên tiếng về những ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến lên vị thế của Nga trên thế giới.

Theo Interos, một tổ chức giám sát thương mại toàn cầu sử dụng thuật toán máy tính, 10 tập đoàn trong số những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới có ít nhất một nguồn cung cấp nguyên liệu trực tiếp đến từ Nga, với bốn công ty trong số đó đang duy trì một mối liên hệ mật thiết trong dây chuyền sản xuất. 

Ông Jennifer Bisceglie, CEO của Interos, so sánh xung đột Ukraine như một đòn mạnh giáng vào dây chuyền sản xuất toàn cầu, khi các mắt xích cần thiết đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bạo loạn và lệnh cấm. 

Mỹ vẫn duy trì sự khéo léo và bình tĩnh của mình trong mỗi quyết định trừng phạt lên Tổng thống Putin, nhằm giảm thiểu những thiệt hại một cách tối đa lên ngành kinh tế nói chung. Trong khi đó, các công ty vẫn đang hoảng loạn tìm kiếm những đối tác khác hay tích lũy nguyên liệu nhiều nhất có thể.

Vào thứ 6 vừa qua, Tổng Thống Biden đã thúc giục Quốc Hội hợp tác với Liên minh châu Âu trong nỗ lực thắt chặt quan hệ thương mại và cô lập Nga. Quyết định trên sẽ tiếp tục làm rối loạn dây chuyền nhập khẩu nguyên liệu trên thế giới và đặt những công ty như Tesla vào một vị trí hiểm hóc.

Hưng Phạm