|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đường tới mục tiêu doanh thu 2 tỷ USD giữa Thế Giới Di Động và Home Credit

18:46 | 11/04/2024
Chia sẻ
Thế Giới Di Động bắt tay Home Credit ra mắt dịch vụ mua trước trả sau Home PayLater.

Tháng 8 năm ngoái, Home Credit và Thế Giới Di Động ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhân dịp kỷ niệm 10 năm mối quan hệ đối tác. Hai doanh nghiệp khi đó cùng đặt ra mục tiêu doanh thu 45.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 2 tỷ USD, trong thời gian 3 năm. 

Để hiện thực hoá mục tiêu này, hôm nay (11/4), hai bên tiếp tục công bố thỏa thuận hợp tác, trong đó Home Credit sẽ cung cấp giải pháp thanh toán mua trước trả sau Home PayLater tại toàn bộ hệ thống của Thế Giới Di Động khắp cả nước từ ngày 3/4.

Khách mua hàng tại Topzone. (Ảnh: Đức Huy).

Doanh nghiệp cho biết khách hàng tại hơn 3.755 cửa hàng Thế Giới Di Động, TopZone và Điện máy Xanh có thể mua trước, trả sau với lãi suất 0% tối đa trong 45 ngày. Khách hàng không cần trả trước, không chịu phí ẩn và có thể chia nhỏ thanh toán đến 12 tháng. Toàn bộ quy trình, thủ tục phê duyệt cũng được số hóa hoàn toàn và đảm bảo nhanh chóng trong vòng một phút.

Home PayLater là sản phẩm mua trước trả sau do Home Credit phát triển. Hiện tại, đây cũng là đơn vị duy nhất cung cấp giải pháp mua trước trả sau cho khách hàng tại Thế Giới Di Động. 

“Mua trước trả sau là hình thức còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng là nhu cầu có thực của khách hàng. Chúng tôi tin rằng đây cũng là một xu hướng mới trên thị trường bán lẻ trong thời gian tới”, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Đầu tư Thế Giới Di Động nói.

Theo Statista, người dùng mua trước trả sau của Việt Nam đã tăng trưởng liên tục trong nhiều năm từ 2,7 triệu (2021) lên 8,7 triệu (2022). Tuy nhiên tỷ lệ thâm nhập của mua trước trả sau ở Việt Nam là 1%, xếp cuối khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng Thái Lan, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc).

Do đó, tiềm năng thị trường là rất lớn. Reasearch & Markets cho biết thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng 45% mỗi năm trong giai đoạn 2022 - 2028 và có thể đạt quy mô 4,7 tỷ USD vào năm 2028. 

Thị trường mua trước trả sau của Việt Nam có sự tham gia của các công ty tài chính như LotteFinance, Home Credit, FE Credit… hay các công ty khởi nghiệp như Kredivo và Fundiin...

Mua trước trả sau cũng được cung cấp trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Tiki.

Nhìn chung, thị trường này ở Việt Nam còn đang trong giai đoạn sơ khai, thị phần chưa được định hình. Do đó, các doanh nghiệp tham gia đang cố gắng tiếp cận, tạo thói quen sử dụng mua trước trả sau cho người dùng Việt.

Ngoài Thế Giới Di Động, một "đại gia" khác trong ngành bán lẻ ICT cũng đang cung cấp dịch vụ mua trước trả sau là FPT Shop.

Đức Huy

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.