Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông: Lo chậm tiến độ do tắc vốn
Nhiều hạng mục dự án còn ngổn ngang (ảnh chụp sáng 9/5). Ảnh: Sỹ Lực. |
Chậm 1 ngày mất ít nhất 1,2 tỷ đồng/ngày
Bộ GTVT đã ấn định chạy thử nghiệm dự án vào ngày 1/10 tới. Tuy nhiên, theo chính những người trong cuộc, khả năng đó khó thành hiện thực. Theo ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho hay, dự án đã cơ bản hoàn thành phần xây lắp, chủ yếu còn lại phần lắp đặt, hiệu chỉnh thiết bị. Tuy nhiên, theo Cục này, đây là một trong những điểm then chốt quyết định tiến độ dự án vì chi phí mua sắm thiết bị lớn nhưng lại đang thiếu vốn. “Nếu trong thời gian tới không có nguồn kinh phí cấp để triển khai thì dự án sẽ hết sức khó khăn, khó đạt tiến độ đề ra”, ông Triệu Khắc Dũng nói.
Trong cuộc họp tiến độ của Bộ GTVT hôm 4/5 vừa qua, lãnh đạo Ban quản lý dự án (QLDA) đường sắt (đại diện chủ đầu tư dự án) cho biết: Đến nay phần xây lắp, hoàn thiện nhà ga, khu depot cơ bản xong, nhưng phần đường ray, nền đường, hàng rào, đường nội bộ… chậm tiến độ. Trao đổi với Tiền Phong ngày 9/5, đại diện Ban QLDA đường sắt cũng không chắc chắn về khả năng có thể chạy thử vào 1/10 như đã cam kết. Ngay cả khi đã chạy thử, dự án ít nhất phải trải qua 6 tháng vận hành thử mới chính thức được đưa vào sử dụng.
Nguyên nhân chậm tiến độ do tắc vốn từ phía Trung Quốc. Đầu tháng 3, Ban QLDA đường sắt cho biết, thủ tục vay vốn bổ sung (phần hơn 250 triệu USD bổ sung từ Trung Quốc) sẽ hoàn tất vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, đến nay, hợp đồng vay bổ sung vẫn chưa thành hiện thực.
Năm 2008, dự án có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD tương đương 8.769 tỷ đồng. Trong đó: Vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD. Năm 2016, tổng mức đầu tư tăng vốn lên 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD (tăng 250,62 triệu USD); vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD (tăng 64,56 triệu USD).
Lần này nếu tiếp tục chậm tiến độ, dự án sẽ đứng trước nhiều thách thức, trong đó đối diện với lãi suất từng ngày. Đại diện Ban QLDA cho biết sẽ công bố sớm các thông tin, cách tính lãi suất cụ thể trong hợp đồng. Tuy nhiên, với tổng vốn 669 triệu USD vay từ Trung Quốc nếu giải ngân hết, theo tỷ giá hiện nay, tương đương 14.718 tỷ đồng.
Tính một cách cơ học (với lãi suất vay của dự án 3-4% tuỳ khoản được công bố trước Quốc hội), ở mức thấp nhất 3%, lãi suất dự án ít nhất 1,2 tỷ đồng/ngày. Số lãi này chưa tính vốn góp 198 triệu USD từ ngân sách để thi công dự án. Đại diện Ban QLDA cho hay, hiện nợ nhà thầu phụ đã lên đến 600 tỷ đồng và nhà thầu phản ứng rất gay gắt.
Lãng phí nguy hiểm hơn tham nhũng
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng nguyên hiệu trưởng Đại học Xây dựng cho hay, về chuyên môn, Cát Linh - Hà Đông dù là công nghệ mới nhưng không “kinh khủng” đến mức kéo dài hơn 10 năm. Việc dự án trì trệ dẫn đến bức xúc trong dư luận vì hàng ngày phải chịu cảnh ùn tắc, khói bụi khi đi qua dự án. “Một dự án trọng điểm ở địa phương đã khó có thể chấp nhận, còn đây là dự án lớn ngay giữa Thủ đô, việc hoãn tiến độ liên tục là khó chấp nhận”.
Về con số 1,2 tỷ đồng tiền lãi/ngày, ông Hùng cho hay: “Lẽ ra nên làm nhanh dự án để bớt những ngày phát sinh lãi. Chúng ta đang rất nghèo, phải tiết kiệm từng đồng. Số tiền đó nếu có nên chắt chiu dành cho những người nghèo”.
Nói về nguyên nhân, ông Hùng cho rằng, các dự án xây dựng lâu nay viện dẫn lý do như khó khăn giải phóng mặt bằng, thiếu vốn, nhưng nguyên nhân chính theo là việc không xác định, xử lý trách nhiệm. “Các hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật nhiều khi không tác hại bằng việc thiếu trách nhiệm dẫn đến lãng phí. Chưa kể, họ cố tình chậm để làm gì đó. Vì vậy, với dự án nhức nhối tại Thủ đô này tôi đề nghị các cơ quan Chính phủ, Quốc hội vào giám sát để không lặp lại tại dự án khác” - PGS.TS Hùng nói.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong bất ngờ về việc dự án vẫn chưa tiến triển. Ông Phong đề nghị việc giải ngân vốn vay chậm, dự án không tiến triển phải được giải trình để làm rõ, quy trách nhiệm.
Chuyên gia này cho rằng, tổng thể dự án có lỗi khá tập trung, bao gồm lỗi về quy hoạch, chậm tiến độ, trách nhiệm chưa rõ ràng. “Có nhiều lý do, có hai lý do đáng quan tâm. Thứ nhất là dự án lần đầu thực hiện nhưng ký với đối tác chưa thực sự có uy tín, lỗi trong chọn nhà thầu. Lỗi thứ 2 thuộc về đơn vị trực tiếp thực hiện vì việc để tăng vốn lớn như thế khó có thể chấp nhận” - TS Nguyễn Minh Phong nói.