|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: 'Nếu phát hành trái phiếu với lãi suất đủ hấp dẫn thì người dân sẵn sàng mua'

18:20 | 20/11/2024
Chia sẻ
Theo đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, cần tính đến nguồn vốn từ trong dân khi huy động đầu tư cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Chiều 20/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. 

Ông Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông (Ảnh: VGP).

Tham gia góp ý về dự án, ông Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị quan tâm thu hút đầu tư tư nhân trong nước. Theo đại biểu, điều này vừa để giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển lớn mạnh, vừa để tiếp nhận và chuyển giao công nghệ nước ngoài, nội địa hóa mức tối đa, giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài.

"Dự án thực hiện đầu tư công 100% nhưng không có nghĩa là Nhà nước thực hiện tất cả công việc. Nhà nước có thể đặt hàng các nhà đầu tư tư nhân có năng lực trong những ngành nghề có liên quan", ông Dương Khắc Mai nói.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất nên thu hút các doanh nghiệp tư nhân vào làm đầu tư xây dựng nhà ga, các dịch vụ hỗ trợ khác như đã thực hiện trong lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường thủy và các doanh nghiệp đã làm rất tốt điều đó.

Trong nguồn lực huy động đầu tư cho dự án, đại biểu đề nghị phải tính đến việc huy động sức dân vì nguồn lực trong dân là rất lớn. Nếu phát hành trái phiếu với một lãi suất đủ hấp dẫn thì người dân sẵn sàng mua. 

"Ngân sách chưa đủ thì đi vay nhưng vay trong dân thì tốt hơn vay nước ngoài vì lợi nhuận người dân sẽ hưởng. Điều quan trọng hơn cũng nhằm khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc để đóng góp vào các công trình quốc gia", đại biểu Dương Khắc Mai bày tỏ.

Cùng tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP HCM cho rằng, số vốn dành cho dự án lớn nên cần tập trung huy động ở trong nước, vay ưu đãi nước ngoài, hạn chế vay ODA.

Cùng với đó, đại biểu đề xuất huy động doanh nghiệp trong nước có chuyên môn để xây dựng dự án, cần xây dựng ngành công nghiệp, nhân lực phụ trợ đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.

Theo đại biểu đoàn TP HCM, trong quá trình thực hiện dự án, để giảm áp lực ngân sách nhà nước, cần quan tâm đến nguồn thu từ việc đấu đấu giá đất ở gần nhà ga, vùng phụ cận, TOD.

Doanh nghiệp trong nước đủ năng lực để nhận chuyển giao công nghệ 

Ông Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội (Ảnh: VGP).

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đề xuất việc đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để Việt Nam có thể làm chủ quá trình đầu tư và phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước.

Ông Cường nêu rõ, bài học kinh nghiệm từ hai tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM đã cho thấy, nếu để nhà thầu nước ngoài thi công trọn gói, khi điều kiện không đáp ứng thì họ sẽ dừng dự án và yêu cầu xử phạt thời gian chờ đợi. Thêm vào đó, quá trình vận hành, sửa chữa thay thế, sẽ lệ thuộc mãi mãi vào nhà cung cấp nước ngoài.

Theo đại biểu, nếu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam lại tiếp tục đấu thầu chọn nhà cung cấp nước ngoài như đã làm với các tuyến đường sắt đô thị thì không chỉ rủi ro về thời gian mà vốn cũng có thể đội lên rất nhiều và có thể sẽ mãi lệ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Một dẫn chứng khác được ông Cường đưa ra là việc Việt Nam đã triển khai thành công tuyến đường dây 500KV mạch 3 với thời gian hoàn thành thần tốc do làm chủ về công nghệ và trực tiếp thi công.

"Nếu kết hợp dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam với các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM, chúng ta sẽ có một thị phần đường sắt khoảng 150 tỷ USD, là thị trường đủ lớn để nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để doanh nghiệp trong nước tự sản xuất, tự xây dựng, có chăng chỉ mua trọn gói một số bộ phận thật đặc thù như: đầu máy, hệ thống điều khiển...", ông Cường khẳng định.

Đại biểu Hoàng Văn Cường tin tưởng doanh nghiệp trong nước đủ năng lực để nhận chuyển giao công nghệ đường sắt và tiếp tục nghiên cứu cải tiến, phát triển cao hơn. Việc để các doanh nghiệp trong nước nhận chuyển giao công nghệ không chỉ giúp Việt Nam có được tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam mà còn phát triển được ngành công nghiệp đường sắt của riêng mình.

"Do vậy, việc chọn nhà cung cấp không cần quan tâm là nước nào, mà cần quan tâm lựa chọn công nghệ nào để có nhiều nhà cung cấp cạnh tranh sẵn sàng chuyển giao công nghệ", ông Cường nói.

Anh My

Thủ tướng giao nhiệm vụ vận động Mỹ sớm công nhận kinh tế thị trường của Việt Nam cho ngành ngoại giao
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các Đại sứ, Trưởng cơ quan Việt Nam tại nước ngoài vận động Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi nhóm hạn chế xuất khẩu về công nghệ và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường