|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đường lậu giá thấp tràn ngập thị trường

20:40 | 13/06/2018
Chia sẻ
Tại Đồng bằng sông Cửu Long đã có 3 trong số 10 nhà máy đường đóng cửa, phá sản do thua lỗ và không cạnh tranh được với đường lậu.
duong lau gia thap tran ngap thi truong Philippines đồng ý nhập khẩu 200.000 tấn đường để ổn định thị trường nội địa
duong lau gia thap tran ngap thi truong

Diện tích trồng mía ở miền Tây nhỏ lẻ, manh mún. Ảnh: Cửu Long.

Đến đầu tháng 6, các nhà máy đường cả nước đã ép được 13,5 triệu tấn mía, sản xuất gần 1,3 triệu tấn đường. Giá mía tại ruộng phổ biến 850.000 đồng đến hơn một triệu đồng một tấn, loại 10 chữ đường (CSS).

Giá đường liên tục giảm, hiện khoảng 10.500 - 11.500 đồng một kg, thấp hơn 2.000 - 2.900 đồng một kg so với đầu vụ. Các nhà máy bán đường sát với giá đường lậu Thái Lan nhưng vẫn khó tiêu thụ. Lượng đường tồn kho lên đến 670.000 tấn, tăng gần 200.000 tấn so hai tháng trước.

Về nguyên nhân tồn kho lớn, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng do đường lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng gia tăng và tinh vi. Việc nhập khẩu các loại đường khác thay thế đường mía để làm nguyên liệu công nghiệp chế biến thực phẩm, nhất là nước giải khát có xu hướng gia tăng. Nổi lên là tình trạng đường nhập lậu thường được gỡ bỏ bao bì của nước sản xuất sau đó sử dụng bao bì, nhãn mác hoặc in theo mẫu của các nhà máy, công ty trong nước…

Tại miền Tây, đã có 3 trong số 10 nhà máy đường đóng cửa, phá sản do thua lỗ và không cạnh tranh được. Tổng giám đốc một công ty mía đường (thành viên Hiệp hội mía đường Việt Nam) than vãn: "Tình hình tiêu thụ đường sản xuất trong nước rất khó khăn vì đường Thái Lan nhập lậu đang áp đảo".

Hiện giá đường Thái Lan nhập lậu bán tại miền Tây khoảng 10.000 - 10.500 đồng một kg, lên đến Sài Gòn khoảng 10.700 – 10.800 đồng. "Với giá này thì các nhà máy đường trong nước không cạnh tranh nổi nhưng phải giảm giá, thậm chí bán lỗ để giải phóng tồn kho nhưng vẫn rất khó vì trận địa đường lậu quá dày đặc", Tổng giám đốc này nhìn nhận.

Lãnh đạo các nhà máy đường ở Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng đường Thái Lan nhập lậu trốn thuế trong khi doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này trong nước phải chịu nhiều loại thuế, nghĩa vụ với an sinh xã hội, hỗ trợ người trồng mía… Vì thế chi phí cao hơn. Trong bối cảnh này, cần sự công bằng trong cạnh tranh thương mại; cần sự quyết liệt ra tay chống buôn lậu của các ngành chức năng.

Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp ngoài việc tái cơ cấu, giảm chi phí còn phải cùng nông dân tập trung hạ giá thành sản xuất mía.

duong lau gia thap tran ngap thi truong

Các công đoạn trồng, thu hoạch mía thủ công khiến chi phí gia tăng. Ảnh: Cửu Long

Các chuyên gia tính toán một năm Việt Nam có nhu cầu tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn đường. Nếu như trong nước có điều kiện sản xuất mà không làm, để phải nhập khẩu thì tốn lượng ngoại tệ rất lớn.

"Nhưng vấn đề là tại sao đường Thái Lan nhập lậu phải đi rất xa, đi chui nhủi qua nhiều nơi, tốn nhiều chi phí mới vào được Việt Nam mà giá vẫn rẻ hơn đường trong nước", Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ (chuyên gia nông nghiệp, giảng viên Đại học Cần Thơ) nói và cho rằng câu trả lời nằm ở chỗ giá thành sản xuất mía của nông dân quá cao; công suất các nhà máy thấp, công nghệ dù có cải tiến nhưng vẫn chưa bằng các nước lân cận.

Miền Tây có khoảng 50.000 ha đất trồng mía nhưng đa số nhỏ lẻ và manh mún, đa phần dưới một ha mỗi hộ. Giá thành sản xuất ra mỗi kg mía của nông dân cao, khoảng 555 - 720 một kg (tùy theo vùng đất, giống, kinh nghiệm người trồng); nhưng chất lượng, chữ đường còn thấp.

Sau khi thu mua, vận chuyển về đến các nhà máy đường ở miền Tây thì mía có giá khoảng 900 đồng một kg, trong khi tại các nước trong khu vực chỉ 700 đồng.

Bình quân các nhà máy cần 11 kg mía làm ra một kg đường, cộng với các chi phí khác thì giá thành bình quân cao hơn 2.000 - 3.000 đồng một kg so với các nước trong khu vực.

Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ khuyến cáo ngoài việc phải nâng cao công suất, cải tiến công nghệ để nhà máy tiêu thụ từ 6.000 tấn mía mỗi ngày trở lên thì cơ giới hoá sản xuất mía là một trong những mấu chốt, quyết định vấn đề sống còn của ngành mía đường trong nước.

duong lau gia thap tran ngap thi truong

Giá thành sản xuất mía, đường ở miền Tây cao hơn nhiều nước trong khu vực. Ảnh: Cửu Long.

"Không cần nhắc đến Thái Lan mà ở Campuchia, việc trồng mía được cơ giới hóa tận răng như trồng lúa ở Việt Nam. Trong khi đó hơn 60% công đoạn trồng mía của chúng ta là thủ công thì làm sao cạnh tranh lại", tiến sĩ Vệ nói.

Còn theo ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần mía đường Cần Thơ, cần cuộc cách mạng về giống mía và kỹ thuật canh tác để khai thác lợi thế của miền Tây là nắng nhiều - đất đai phù sa màu mỡ và nước tưới dồi dào.

Từ đó chọn ra được các giống mía có năng suất cao, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng phù hợp với từng vùng.

Cửu Long