Đúng lúc hãng lốp xe thứ ba thế giới trượt dài, đối thủ tặng họ món quà bất ngờ
Goodyear là nhà sản xuất lốp lớn thứ ba thế giới (sau Bridgestone và Michelin). Ở Bắc Mỹ, họ chiếm vị trí số một, còn ở châu Âu, họ chiếm vị trí số hai. Ngoài hoạt động sản xuất ở hơn 20 quốc gia, Goodyear còn vận hành khoảng 1.100 trung tâm dịch dưới thương hiệu Goodyear hoặc Just Tires.
Hồi thế kỉ 19, một người đàn ông tên Charles Goodyear đã phát minh ra quá trình lưu hóa cao su.
Đó là một quá trình phức tạp nhằm chuyển hóa cao su thành một thứ hữu dụng cho nhiều mục đích khác nhau và đương nhiên, một trong những mục đích đó là vỏ xe. Ngoài ra, Charles còn chế tạo ra ủng và trang phục (nón, áo khoác và cà vạt) từ cao su.
Vấn đề ở đây là Goodyear chỉ là một nhà phát minh chứ không phải là một doanh nhân. Cả nhà Goodyear gần như đã phải chết đói trong lúc ông liên tục thất bại với nhà máy lưu hóa cao su và gánh một món nợ kếch xù.
Thức ăn hàng ngày mà ông và gia đình thường dùng chính là những con cá mà ông đánh bắt từ dòng sông gần nhà.
Mặc dù quá trình lưu hóa cao su là một trong những phát minh đột phá mang đậm dấu ấn công nghệ và thương mại quan trọng của thế kỷ 19, nhưng Goodyear, một trong những Homer Simpson của lịch sử, lại gặp trở ngại trong việc nhận bằng sáng chế.
Goodyear đã nhiều lần tới các cơ quan thẩm quyền để khiếu nại, nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp lợi dụng phát minh của ông. Năm 1860, Goodyear qua đời trong khốn khó nhưng vẫn chưa thể hưởng lợi ích nhỏ nào từ thành tựu của bản thân.
40 năm sau, Frank Seiberling mới ghi nhận thành quả của Goodyear bằng cách dùng tên nhà phát minh quá cố đặt cho công ty của ông - công ty Vỏ xe và Cao su Goodyear.
Sự phát triển của công ty khá thuận lợi chứ không khốn khó như cuộc đời của nhà phát minh mà nó mang tên.
3 năm sau khi ra đời, năm 1901, công ty giành hợp đồng cung cấp vỏ xe cho Henry Ford. Goodyear dần lớn mạnh thành một thương hiệu vỏ xe hàng đầu với những hợp đồng cung cấp cho nhiều hãng sản xuất xe hơi khác nhau.
Chỉ đến những năm 80, Goodyear mới bắt đầu đánh mất quyền kiểm soát thị trường khi hãng vỏ xe Bridgestone mua lại đối thủ chính của Goodyear trên thị trường - Firestone.
Mãi lực của Goodyear sụt giảm nặng nề trong những năm 90, khiến họ buộc phải sa thải hơn 2.800 nhân viên chỉ trong một năm.
Đến những năm cuối của thiên niên kỷ thứ hai, mọi việc bắt đầu có chiều hướng sáng sủa hơn. Năm 1997, Goodyear thực hiện một kế hoạch đầu tư mạo hiểm: xây dựng thêm hai nhà máy mới.
Vào năm 1999, theo con đường của đối thủ một thời, Goodyear liên kết với một công ty sản xuất vỏ xe khổng lồ của Nhật Bản là Sumitomo Rubber.
Cùng năm đó, Firestone sa vào bê bối nghiêm trọng về chất lượng sản phẩm khi nhận vô số những khiếu nại từ người tiêu dùng và báo cáo về những tai nạn liên tiếp đến với xe Explorer của Ford đến mức Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia phải buộc họ thu hồi hơn 6,5 triệu vỏ xe từ các chiếc Explorer.
Sau bê bối, Ford và Firestone tranh cãi liên miên và công khai. Hai doanh nghiệp đều khẳng định bên kia phải chịu trách nhiệm.
Hiển nhiên thảm họa của Firestone là cơ hội để Goodyear tái chiếm vị thế dẫn đầu trong thị trường vỏ xe hơi của Goodyear ở khu vực Bắc Mỹ, vị thế mà họ vẫn giữ vững tới ngày nay.