|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Huawei cầu cứu đối thủ trước lệnh cấm của Mỹ

01:12 | 23/05/2020
Chia sẻ
Theo Nikkei, Huawei đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ nhà sản xuất chip di động đối thủ để chống chọi trước lệnh cấm mới đây của Mỹ nhằm vào công ty này.
Huawei cầu cứu đối thủ trước lệnh cấm của Mỹ - Ảnh 1.

Nguồn tin của Nikkei tiết lộ Huawei đang đàm phán với MediaTek để mua thêm nhiều chip hơn, giúp mảng kinh doanh điện tử tiêu dùng có thể tiếp tục hoạt động. Phát triển chip hiện đại riêng là chiến lược quan trọng của Huawei, giúp hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc nổi bật trên thị trường smartphone toàn cầu. Nếu sử dụng sản phẩm của đối thủ, các nhà phân tích cho rằng lợi thế này sẽ bị suy giảm.

MediaTek của Đài Loan đang là nhà cung ứng chip di động lớn cho Samsung và các thương hiệu smartphone Trung Quốc như Oppo, Vivo, Xiaomi. Công ty cung ứng chip cho smartphone 4G thấp cấp, trung cấp của Huawei. Hiện tại, Huawei hi vọng có thể mua chip di động 5G từ trung đến cao cấp của MediaTek. Trước đây, Huawei chỉ sử dụng chip tự phát triển cho thiết bị cao cấp.

Theo một nguồn tin, Huawei đã dự báo trước ngày này. Vì thế, họ đã bắt đầu phân bổ các dự án chip di động thấp – trung cấp cho MediaTek từ năm 2019. Huawei cũng trở thành một trong các khách hàng chip 5G trung cấp lớn của MediaTek trong năm nay.

Một nguồn tin khác cho biết MediaTek vẫn đang đánh giá nguồn nhân lực của mình để xem xét có thể hỗ trợ tham vọng của Huawei hay không do công ty Trung Quốc muốn mua số lượng tăng 300% so với các năm trước.

Trong khi đó, Huawei cũng đang tìm cách hợp tác sâu hơn với UNISOC, nhà phát triển chip di động tại Bắc Kinh. Trước đây, Huawei chỉ sử dụng số ít chip UNISOC cho smartphone và tablet giá rẻ. Giao dịch mới sẽ giúp UNISOC nâng cấp năng lực thiết kế chip và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Tuần trước, Washington thông báo quy định quản lý xuất khẩu mới, được thiết kế nhằm chặn đứng nỗ lực phát triển chip riêng của Huawei thông qua công ty con HiSilicon và quan hệ với TSMC, nhà thầu sản xuất chip lớn nhất thế giới. Theo quy định mới, các doanh nghiệp không phải của Mỹ phải xin giấy phép sử dụng công nghệ, phần mềm Mỹ để sản xuất chip do Huawei thiết kế.

Quy định trên đánh thẳng vào trung tâm chiến lược cạnh tranh với Apple và Samsung của Huawei. Công ty này tự thiết kế chip qua HiSilicon rồi giao cho TSMC sản xuất tất cả chip di động cao cấp Kirin để dùng trong smartphone cao cấp, cũng như chip dùng trong trạm gốc 5G, chip AI, chip máy chủ. Chính những hợp đồng với TSMC và các nhà sản xuất chip châu Á khác đã giúp Huawei tăng cường sử dụng chip riêng thay vì chip của nhà cung ứng Mỹ như Qualcomm, Qorvo, Skyworks, Broadcom. Theo GF Securities, tỉ lệ chip tự thiết kế trong 240 triệu smartphone Huawei bán ra năm 2019 đã tăng lên 75% từ 69% năm 2018.

Chiến lược này giúp Huawei chống chọi trước áp lực của Mỹ sau khi Washington đưa công ty vào danh sách đen năm 2019. Dù vậy, việc hợp tác có nguy cơ tan vỡ vì hạn chế mới nhất. Theo Nikkei, TSMC đã tạm dừng nhận đơn hàng mới từ Huawei để tuân thủ quy định.

Chủ tịch luân phiên Eric Xu của Huawei hồi cuối tháng 3 cho biết công ty của ông có thể mua chip từ MediaTek và UNISOC nếu Mỹ cấm các đối tác dùng trang thiết bị và phần mềm Mỹ để sản xuất chip cho Huawei. Song, nếu dùng con chip mà những đối thủ nhỏ hơn như Oppo, Xiaomi đang dùng thay vì chip tự thiết kế, nó sẽ làm suy yếu danh mục sản phẩm của Huawei.

Jeff Pu, nhà phân tích của GF Securities, cho hay theo kiểm tra, Huawei có đủ chip để duy trì đến hết năm nay. Vì vậy, tác động thực sự sẽ diễn ra từ quý IV/2020 nếu các vấn đề nguồn cung chip chưa được giải quyết. Nếu nguồn cung chip cạn kiệt vào năm sau, nó sẽ là thảm họa, đặc biệt đối với hai át chủ bài quan trọng nhất là dòng M và dòng P. Ngay cả khi có thể mua chip từ MediaTek và UNISOC, việc ra mắt sản phẩm cao cấp như trong quá khứ là một thách thức đối với Huawei.

Du Lam