|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dù luận tội, xé bài phát biểu, công kích lẫn nhau, Tổng thống Trump và Chủ tịch Hạ viện Pelosi vẫn đồng lòng tẩy chay thiết bị viễn thông Trung Quốc

11:22 | 15/02/2020
Chia sẻ
Tuy có nhiều xung đột gay gắt về quan hệ chính trị trong nước, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có chung quan điểm trong việc ngăn các đồng minh của Mỹ sử dụng thiết bị 5G của Trung Quốc, đặc biệt là Huawei.
Dù luận tội, xé bài phát biểu, công kích lẫn nhau, Tổng thống Trump và Chủ tịch Hạ viện Pelosi vẫn đồng lòng tẩy chay thiết bị viễn thông Trung Quốc - Ảnh 1.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tại Hội nghị An ninh Munich, ngày 14/2. Ảnh: Bloomberg

Lãnh đạo Mỹ đồng lòng chống Huawei

Theo Bloomberg, khi phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 14/2, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã cảnh báo các nước châu Âu rằng việc để một công ty có liên quan tới chính phủ Trung Quốc như Huawei xây dựng mạng thông tin là hết sức nguy hiểm.

“Các quốc gia không thể vì chút lợi ích về tài chính mà để hệ thống mạng viễn thông của mình rơi vào tay Trung Quốc”. Bà Pelosi nói thêm với đại diện các nước châu Âu: “Nếu các bạn muốn một dòng chảy thông tin tự do […], đừng chơi cùng Huawei”.

Thông điệp chống Huawei và Trung Quốc của bà Pelosi có nhiều nét tương đồng với những tuyên bố trước đây mà chính quyền ông Trump gửi tới các nước đồng minh ở châu Âu, đây cũng là một trong những lần hiếm hoi mà hai nhà lãnh đạo Mỹ này có chung quan điểm.

Ông Trump và các quan chức Mỹ từng nhiều lần thuyết phục các nước châu Âu không sử dụng thiết bị của Huawei khi phát triển mạng viễn thông 5G vì lí do an ninh quốc gia. Mỹ còn đe dọa sẽ không chia sẻ thông tin tình báo cho nước nào dùng đồ của Huawei.

Mặc dù vậy, hai đồng minh lớn của Mỹ là Đức và Anh vẫn cho phép Huawei tham gia một phần vào quá trình phát triển mạng 5G của nước mình. Liên minh châu Âu (EU) sau đó cũng đưa ra quyết định tương tự. Thiết bị của Huawei được cho là có chất lượng tốt hơn và giá rẻ hơn tới 30% so với các hãng khác.

Bà Pelosi nói thêm: Thay vì sử dụng mạng 5G của Trung Quốc, “chúng ta phải quốc tế hóa cơ sở hạ tầng viễn thông”.

Bà hối thúc các nhà lãnh đạo châu Âu lập kế hoạch phát triển thế hệ công nghệ tiếp theo bằng cách “cùng nhau xây dựng một hệ thống cho dòng chảy thông tin tự do”.

Quan hệ giữa Tổng thống Trump và các thành viên cốt cán của Đảng Dân chủ vốn đã không tốt đẹp lại càng xấu đi rõ rệt trong nhiều tháng qua khi bà Pelosi chỉ đạo cuộc điều tra luận tội ông Trump với cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội.

Tổng thống Trump đã nhiều lần công kích quá trình luận tội này, gọi đây là "một cuộc săn lùng phù thủy thời trung cổ" nhằm xóa bỏ kết quả bầu cử năm 2016 khi ông giành chiến thắng.

Ông Trump cũng đăng rất nhiều dòng tweet với lời lẽ thậm tệ, chỉ trích Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff.

Tại buổi lễ Thông điệp Liên bang diễn ra ngày 4/2 - một ngày trước khi phiên tòa luận tội kết thúc, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa liên tục đứng dậy vỗ tay tán thưởng bài phát biểu của ông Trump trong khi các nghị sĩ Đảng Dân chủ thường chỉ ngồi nghe trong yên lặng.

Trước khi ông Trump đọc bản Thông điệp, bà Pelosi đưa tay ra định bắt tay xã giao nhưng bị ông Trump phớt lờ. Để trả đũa, khi bài phát biểu kết thúc, bà Pelosi đã xé toạc bản sao bài phát biểu của ông Trump ngay trước ống kính máy quay, thu hút sự sự chú ý của truyền thông thế giới.

Dù luận tội, xé bài phát biểu, công kích lẫn nhau, Tổng thống Trump và Chủ tịch Hạ viện Pelosi vẫn đồng lòng tẩy chay thiết bị viễn thông Trung Quốc - Ảnh 2.

Nữ Chủ tịch Hạ viện Mỹ công khai xé toạc bài phát biểu của ông Trump. Ảnh: Bloomberg.

Phản ứng gay gắt của Trung Quốc

Trong suốt vài năm qua, chính quyền Mỹ đã cáo buộc Huawei giúp quân đội và chính phủ Trung Quốc làm gián điệp, thu thập tình báo trái phép tại các nước khác. Mỹ cho rằng Huawei thường bí mật cài “cửa sau” trên các thiết bị viễn thông mà tập đoàn này bán cho các nước, chính những “cửa sau” này cho phép Huawei âm thầm đánh cắp thông tin mật.

Huawei đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc trên.

Cũng có mặt tại Hội nghị An ninh Munich ngày 14/2, Phó Chủ tịch cấp cao của Huawei - ông John Suffolk một lần nữa lên tiếng phản bác, cho rằng lí lẽ của Mỹ không có giá trị và chỉ là mấy câu chữ xào xáo lại từ những vụ tranh chấp dân sự đã được dàn xếp trong 20 năm qua.

“Mỹ cho rằng nếu họ cứ ném thật nhiều bùn về phía chúng tôi thì sẽ có vài phát trúng và Huawei sẽ bị vấy bẩn”, ông Suffolk nói.

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết ông không hiểu tại sao Mỹ lại kết bè kết đảng với các nước khác để tấn công một công ty tư nhân như Huawei.

Dù luận tội, xé bài phát biểu, công kích lẫn nhau, Tổng thống Trump và Chủ tịch Hạ viện Pelosi vẫn đồng lòng tẩy chay thiết bị viễn thông Trung Quốc - Ảnh 3.

Một cửa hàng bán điện thoại di động Huawei chính hãng tại Việt Nam. Ảnh: Song Ngọc.

Hôm 13/2, Mỹ gỡ niêm phong và công bố một bản cáo trạng liên bang trước đây với nội dung cáo buộc Huawei có âm mưu ăn cắp tài sản trí tuệ của 6 công ty Mỹ (không được nêu tên cụ thể) và che giấu việc làm ăn với Triều Tiên. 

Trước đó, Mỹ đã cáo buộc Huawei gian lận tài chính, lừa đảo, cản trở thực thi pháp luật, rửa tiền, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với Iran, …

Huawei sau đó ra thông cáo cho biết hình động mới nhất này của Mỹ là “sự công kích mang tính chính trị”.

“Từ lâu, chính phủ Mỹ đã dùng sức mạnh của cả một quốc gia để tấn công một doanh nghiệp tư nhân”, thông cáo của Huawei viết. Chính phủ Mỹ “đã dùng mọi công cụ trong tay, từ lập pháp, hành pháp, tư pháp và ngoại giao, thậm chí nỗ lực xoay chuyển ý kiến dư luận để chống lại Huawei và hoạt động kinh doanh bình thường của chúng tôi”, Huawei khẳng định.

Phát biểu tại một sự kiện hồi tháng 10/2019, Phó Chủ tịch Huawei John Suffolk cũng khẳng định tập đoàn Trung Quốc này sẵn sàng làm việc với các nước để loại bỏ lo ngại về rủi ro an ninh.

Ông tuyên bố Huawei chưa nhận được bất kì yêu cầu chia sẻ thông tin mật nào từ phía chính quyền Trung Quốc.

Nói về nhà sáng lập kiêm CEO Nhậm Chính Phi của Huawei, ông Suffolk nhìn nhận: "Nếu ông Nhậm bị chính phủ Trung Quốc yêu cầu làm một điều gì đó mà ông cho là không đúng đắn, chẳng hạn như giao nộp dữ liệu hay cài cắm 'cửa sau' trên thiết bị viễn thông để đánh cắp thông tin, ông Nhậm sẽ thẳng thừng từ chối".

Thậm chí, ông Suffolk còn khẳng định ông Nhậm Chính Phi thà đóng cửa công ty chứ không tham gia hoạt động gián điệp chống quốc gia khác.

Dù luận tội, xé bài phát biểu, công kích lẫn nhau, Tổng thống Trump và Chủ tịch Hạ viện Pelosi vẫn đồng lòng tẩy chay thiết bị viễn thông Trung Quốc - Ảnh 4.

Hình ảnh CEO Nhậm Chính Phi trên tài liệu truyền thông của Huawei. Ảnh: Song Ngọc.

Trả lời phỏng vấn tạp chí Time hồi cuối tháng 5/2019, CEO Nhậm Chính Phi cũng xua đi những nghi ngờ về việc thiết bị của Huawei đe dọa an ninh quốc gia các nước.

"Chủ quyền của một mạng viễn thông thuộc về quốc gia hoặc doanh nghiệp vận hành mạng đó. Huawei chỉ đơn giản là người bán thiết bị thôi".

"Nếu bất kì nước nào tìm thấy 'cửa sau' trong thiết bị của Huawei, doanh số bán hàng của chúng tôi tại 170 quốc gia sẽ lập tức rớt thảm, tài chính của chúng tôi sẽ sụp đổ. Nếu thế giới chưa thể đi đến một thỏa thuận hợp lí, Huawei sẵn sàng thúc đẩy chính phủ Trung Quốc kí hiệp định 'không cài cửa sau' trên thiết bị viễn thông với các quốc gia đồng ý", ông Nhậm nói.

Đức Quyền