|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dự kiến tăng trần giá vé máy bay nội địa từ quý II/2023, cao nhất lên 4 triệu đồng

20:29 | 24/03/2023
Chia sẻ
Theo Bộ GTVT, giá trần vé máy bay nội địa dự kiến sẽ tăng trong quý II hoặc quý III. Trong đó, đường bay từ 1.280km trở lên tăng nhiều nhất từ 3,75 triệu đồng, dự kiến lên 4 triệu đồng, mức tăng 6,67%.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá quý I/2023 và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2023, Bộ Tài chính cho biết, giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa dự kiến tăng vào quý II hoặc quý III.

Cụ thể, với nhóm đường bay từ 500km đến dưới 850km, giá trần hiện tại 2,2 triệu đồng, dự kiến sẽ tăng lên 2,25 triệu đồng, tăng 2,27%.

Từ 850km đến dưới 1.000km, giá trần hiện tại 2,79 triệu đồng, dự kiến lên 2,89 triệu đồng, tăng 3,85%. Từ 1.000km đến dưới 1.280km, giá trần hiện tại 3,2 triệu đồng, dự kiến lên 3,4 triệu đồng, tăng 6,25%.Từ 1.280km trở lên giá trần hiện tại 3,75 triệu đồng, dự kiến lên 4 triệu đồng, tăng 6,67%.

Bộ Tài chính cho biết, việc tăng giá hàng không ước tính tác động đến chỉ số CPI 2023 khoảng 0,07%.

Lý giải về việc tăng trần giá vé máy bay, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho hay, các mức giá trần vé máy bay thời gian qua được thực hiện theo Thông tư 53 ban hành năm 2019 của Bộ GTVT. Lần gần nhất khung trần này được điều chỉnh tăng là năm 2015.

Trần giá vé máy bay vẫn giữ ổn định nhưng chi phí nhiên liệu đã tăng mạnh, tại thời điểm tháng 12/2022, chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không tăng gần 62,4% so với tháng 12/2014 và tăng xấp xỉ 81% so với tháng 9/2015. 

Trong khi đó, chi phí nhiên liệu thường chiếm khoảng 39,5% tổng chi phí của các hãng bay.  Đây chính là nguyên nhân góp phần làm tổng chi phí của doanh nghiệp hàng không tăng thêm gần 33,5% so với tháng 12/2014 và 33,5% so với tháng 9/2015.

Trên cơ sở tác động các chi phí nhiên liệu, tỷ giá và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải dự kiến điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không với mức tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành. 

Kiến nghị bỏ trần vé máy bay

Trước đó, vào năm 2021, Cục Hàng không Việt Nam và một số hãng hàng không cũng đã đề xuất bỏ trần giá vé trên đường bay.

Sang tháng 3/2022, do chi phí nhiên liệu tăng cao, Vietnam Airlines tiếp tục có kiến nghị nâng trần vé máy bay còn Vietravel Airlines thì kiến nghị bỏ trần vé máy bay đối với những đường bay có từ ba hãng hàng không tham gia để tạo điều kiện cho ngành hàng không phát triển.

Theo Vietnam Airlines, việc điều chỉnh này không có nghĩa là các hãng hàng không tăng giá vé bất hợp lý, mà tạo điều kiện thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, một mặt bù đắp chi phí tăng thêm do giá dầu tăng, mặt khác cải thiện chất lượng dịch vụ.

Còn Vietravel Airlines lý giải về đề xuất này là do việc áp giá trần vé máy bay nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, tránh trường hợp hãng bay độc quyền và bán vé quá cao. Với các đường bay có từ 3 hãng hàng không tham gia, tính cạnh tranh đã được đảm bảo.

Bên cạnh đó, việc bỏ giá trần sẽ giúp các hãng hàng không giúp các hãng có cơ hội nâng cao hơn chất lượng dịch vụ của mình, Vietravel Airlines cho hay. 

Hạ An

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.