|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự kiến siết xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc từ 2029

20:10 | 01/01/2024
Chia sẻ
Bộ Công Thương trình Chính phủ siết xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc từ đầu năm 2029, lùi 4 năm so với đề xuất trước.

Hàng xuất qua các cửa khẩu biên giới, trong đó có Trung Quốc, gồm hàng xuất chính ngạch theo thông lệ quốc tế và trao đổi cư dân (tiểu ngạch).

Để siết lại các hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 14/2018 về hoạt động thương mại biên giới, Bộ Công Thương đề xuất, từ 1/1/2029, hàng xuất theo phương thức này sẽ bị giảm dần số lần, số tiền được miễn thuế. Phương án cụ thể sẽ do Bộ Tài chính đề xuất vào năm 2029.

Đồng thời, hàng xuất khẩu tiểu ngạch sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc. Chỉ cư dân khu vực biên giới mới được phép xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân và họ phải có mặt trực tiếp làm thủ tục xuất cảnh.

Sau đó một năm, từ đầu 2030, hàng hóa chỉ được làm thủ tục xuất nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) và các cửa khẩu phụ, lối mở đạt thỏa thuận song phương về xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.

Theo Bộ Công Thương, xuất diện tiểu ngạch diễn ra khá sôi động nhờ được hưởng các ưu đãi, như miễn kiểm dịch, không cần hợp đồng, không cần thanh toán qua ngân hàng và được miễn thuế với hàng dưới 2 triệu đồng một người một ngày và không quá 4 lượt một tháng.

Quy định hiện nay về giao dịch hàng qua biên giới đất liền, nhất là xuất khẩu, khá dễ dàng. Mọi thương nhân đều được quyền xuất khẩu qua biên giới. Cá nhân không đăng ký kinh doanh nhưng nếu cư trú tại khu vực biên giới cũng có quyền xuất hàng, trừ hàng cấm. Các thương nhân tự lập bảng kê hàng hóa để thay hợp đồng, không phải xuất trình hợp đồng mua bán với cơ quan hải quan và phương thức thanh toán linh hoạt.

Đặc biệt, nhiều nông sản của Việt Nam dù chưa được phép nhập khẩu chính thức vào Trung Quốc (trái cây, thịt lợn, trâu bò...) nhưng vẫn có thể bán vào Trung Quốc theo hình thức tiểu ngạch. Thậm chí, để tận dụng ưu đãi thuế, một số mặt hàng tuy được phép xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc (như sắn, vải, dưa hấu) vẫn chủ động chuyển sang tiểu ngạch để xuất khẩu vào Trung Quốc.

Bộ này cho rằng, quy định này giúp mở rộng giao lưu thương mại cho người dân 2 bên, nhưng cũng bộc lộ một số bất cập.

Trong đó, định mức miễn thuế 8 triệu đồng mỗi người một tháng, tương đương 96 triệu đồng một năm, đang cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người trên tháng của người dân tại hầu hết địa phương khu vực biên giới có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn như Lai Châu, Điện Biên, Gia Lai...

Từ lâu đã có hiện tượng các doanh nghiệp Trung Quốc tận dụng hình thức trao đổi cư dân để buôn bán lớn, cụ thể là lập danh sách cư dân sau đó gom tiêu chuẩn miễn thuế để nhập khẩu các lô hàng lớn. Hàng hóa sau khi qua biên giới sẽ được gom về tiêu thụ tại các chợ biên giới phía Trung Quốc.

Những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động nhập khẩu tại biên giới. Một số mã vùng trồng chuối, mít, sầu riêng, thanh long bị phía Trung Quốc thông báo dừng xuất khẩu. Hạn chế về truy xuất nguồn gốc và kiểm dịch thực vật ảnh hưởng đến xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ngoài ra, nhiều loại hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch và qua cửa khẩu phụ, lối mở vẫn có sự chênh lệch về chất lượng so với hàng hoá xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

"Do đó, xuất khẩu tiểu ngạch ngày càng bấp bênh, không bền vững, không còn nhiều cơ hội cho hàng nông thuỷ sản của Việt Nam, đặc biệt là những hàng chưa đăng ký truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng", Bộ Công Thương nêu.

Siết lại hoạt động xuất khẩu hàng tiểu ngạch, theo Bộ Công Thương, nhằm đưa việc trao đổi, mua bán hàng hóa hàng ngày của cư dân biên giới về đúng bản chất; thúc đẩy thương mại biên giới chuyển dần từ tiểu ngạch sang chính ngạch.

Việc tuân thủ yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc nước sở tại cũng giúp hạn chế tình trạng hàng hóa sau khi xuất khẩu bị trả lại do không đáp ứng yêu cầu, góp phần hạn chế ách tắc ở cửa khẩu biên giới, nhất là vào các dịp Lễ, Tết hoặc thời điểm thu hoạch chính vụ.

Bộ Công Thương đánh giá, việc này sẽ tác động mạnh tới thương nhân, người dân đang hoạt động theo hình thức kinh doanh "dưới chuẩn" (tiểu ngạch). Nhưng ngược lại, họ sẽ phải nâng cao năng lực, hoàn thiện bộ máy hoạt động để chuyển đổi sang chính ngạch.

Phương Dung

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).