|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Du khách chờ taxi dài cổ và lý do nền kinh tế Italy trì trệ suốt 30 năm

16:21 | 07/01/2024
Chia sẻ
Quy mô nền kinh tế Italy ngày nay nhỏ hơn 1,5% so với năm 2007, trước khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra. Trong cùng khoảng thời gian đó, nền kinh tế Đức đạt được tốc độ tăng trưởng 17% và Mỹ là 28%.

Các tài xế taxi ở Italy đã tránh cạnh tranh nhau trong nhiều năm. (Ảnh: Reuters). 

Nền kinh tế "không cất nổi mình"

Để tìm được một chiếc taxi ở Milan khi trời mưa, du khách cần có sức kiên nhẫn và chịu khó xếp hàng dài. Trong các dịp hội chợ thương mại và trình diễn thời trang, tìm taxi thậm chí còn khó khăn hơn bởi nhu cầu tăng cao nhưng số lượng xe vẫn không đổi.

Ngay cả trong ngày nắng, cảnh tượng du khách tay xách nách mang mòn mỏi chờ taxi vẫn xuất hiện tại các sân bay và nhà ga khắp Italy. Nhiều người dân địa phương đã từ bỏ nỗ lực vô ích này ngay từ đầu.

Cánh tài xế taxi Italy tránh cạnh tranh bằng cách vận động để giới hạn số taxi được cấp phép và hạn chế các công ty cung cấp dịch vụ đi chung xe như Uber. Nếu các thị trưởng cố gắng thay đổi tình trạng này, các tài xế có thể tổ chức đình công hoặc chặn đường, khiến cả thành phố bị tê liệt.

“Phải chờ đợi như thế này thật nực cười, nhưng chúng tôi chẳng thể làm gì khác”, ông Marco Mariani nói khi cùng vợ đợi taxi ở quảng trường trung tâm Milan. Hai người đến thành phố này để mua sắm và không thể tìm được một chiếc xe để quay về khách sạn.

Dòng người xếp hàng chờ taxi ở Milan và Rome không chỉ gây ra phiền phức. Nhiều người Italy coi đây là ví dụ đáng xấu hổ cho thấy đất nước đã thất bại trong việc vực dậy nền kinh tế. Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết nền kinh tế Italy gần như không tăng trưởng trong suốt 30 năm qua.

Tài xế taxi Italy đình công ở Naples năm 2023. (Ảnh: Zuma Press). 

Nền kinh tế Italy trì trệ một phần lớn là do các nhóm lợi ích quyền lực đã cố gắng ngăn cản đất nước tăng cường tính cạnh tranh, đổi mới và cải thiện năng suất. Ông Gabriele Grea, giáo sư kinh tế tại Đại học Bocconi ở Milan, bình luận: “Ngành taxi là biểu tượng cho những lĩnh vực không hiệu quả ở Italy”.

Theo dữ liệu của World Bank, quy mô nền kinh tế Italy hiện nay nhỏ hơn 1,5% so với năm 2007, trước khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra. Trong cùng khoảng thời gian đó, nền kinh tế Đức đã tăng trưởng 17%, Pháp 13% và Mỹ 28%. Cơ quan thống kê quốc gia Italy dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của nước này sẽ đạt 0,7% trong năm 2023 và 2024.

Không chịu thay đổi

Nhà kinh tế Lorenzo Codogno nhận xét cho rằng nguyên nhân chủ chốt khiến Italy trì trệ là do nước này không áp dụng chế độ nhân tài (meritocracy) trong khu vực kinh tế công và tư nhân. Điều này được thể hiện rõ nhất trong sự chênh lệch giữa các giới. 

Chỉ 55% phụ nữ Italy trong độ tuổi lao động có việc làm - mức thấp nhất trong toàn bộ Liên minh châu Âu (EU). Tại Đức và Pháp, tỷ lệ này lần lượt là 80% và 71%. Ông Codogno và nhiều nhà kinh tế khác nhấn mạnh nguyên nhân chính khiến nhiều phụ nữ từ bỏ sự nghiệp để nuôi con là chuẩn mực văn hóa ở nhà và nơi làm việc.

Hệ thống coi trọng thâm niên hơn kỹ năng cũng là một trong những nguyên nhân khiến Italy không đạt được nhiều tiến bộ kinh tế. Kết quả là gần 21% người Italy từ 15 đến 34 tuổi không có việc làm, không tham gia chương trình học tập hoặc đào tạo - con số cao nhất EU.

Khi so với các nước phương Tây khác, Italy có ít startup thành công trên thị trường quốc tế và thu hút được ít vốn đầu tư mạo hiểm hơn. Italy hầu như không có mặt trong bảng xếp hạng 100 trường đại học hàng đầu thế giới, học sinh cấp ba ở Italy thua kém hầu hết các nước phát triển khác.

Các bãi biển ở Italy là một ví dụ đáng buồn khác. Năm này qua năm khác, một số doanh nghiệp trả cho cơ quan quản lý một khoản phí nhỏ để được phép cho thuê dù che nắng và ghế ở bãi biển. EU đã phàn nàn về việc Italy thiếu các buổi đấu thầu công và khoản doanh thu ít ỏi mà chính phủ thu được từ việc bán các đặc quyền này.

Một số doanh nghiệp ở Italy được phép cho thuê ghế và dù ở bãi biển chỉ bằng một khoản phí nhỏ, hết năm này tới năm khác. (Ảnh minh hoạ: WSJ). 

Ông Carlo Maria Capè, CEO công ty tư vấn công nghệ BIP, cho rằng vấn đề tại các bãi biển và bến đỗ taxi cho thấy rắc rối của Italy có liên quan tới quy định, chứ không phải do sự thiếu hụt tài năng hoặc tinh thần kinh doanh.

Vị CEO nhấn mạnh: “Quy định ở Italy khiến việc thay đổi trở nên rất khó khăn. Nhưng nếu các công ty vừa và nhỏ đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế được phép hoạt động [tự do], họ sẽ thích ứng được với những thay đổi trên thị trường”.

Giang