|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dù còn đối mặt nhiều thách thức, cổ phiếu của hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới vẫn 'bay' ngoạn mục

00:02 | 13/06/2020
Chia sẻ
Hơn một tháng qua, giá cổ phiếu của tập đoàn sản xuất máy bay và quốc phòng đã tăng khoảng 80%, sau khi rơi xuống mức thấp nhất (95 USD) trong đợt lao dốc hồi tháng 3.

Giá cổ phiếu tăng mạnh trong bối cảnh Boeing đang chịu nhiều sức ép sau 2 vụ tai nạn máy bay thảm khốc tại Indonesia và Ethiopia khiến gần 350 người thiệt mạng, khiến tất cả các hãng máy bay trên toàn thế giới đồng loạt tạm ngừng sử dụng loại máy bay 737 MAX do lo ngại tính an toàn của chúng. Trước đó, 737 MAX là phiên bản bán chạy nhất của Boeing.

Hiện tại Boeing tạm ngừng chuyển giao máy bay cho đối tác thương mại, khiến hoạt động sản xuất của hãng chậm lại, doanh thu và lợi nhuận của hãng cũng giảm.

Giá cổ phiếu Boeing tăng vọt 12% lên mức 230,50 USD hôm 8/6, đánh dấu ngày tăng thứ 6 liên tiếp. Trong 6 ngày đó, giá cổ phiếu Boeing tăng hơn 50%, theo CNBC.

Investing nhận định nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới vẫn đối mặt hàng loạt thách thức nan giải. Boeing phải hồi sinh nhu cầu mua máy bay vốn đã gần xuống tới mức 0 bởi đại dịch COVID-19. 

Tập đoàn cũng phải ngăn đà phình to của khoản nợ và thuyết phục giới chức cho phép mẫu máy bay 737 MAX hoạt động trở lại sau hai vụ tai nạn máy bay ở Indonesia và Ethiopia khiến gần 350 người thiệt mạng.

Dù còn đối mặt nhiều thách thức, cổ phiếu của hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới vẫn 'bay' ngoạn mục - Ảnh 1.

Tập đoàn Boeing lao đao vì hai vụ tai nạn máy bay liên quan tới phiên bản 737 MAX và đại dịch COVID-19. Ảnh: AP

Hôm 30/4, Boeing tuyên bố sẽ giảm 10% công việc, tương đương 16.000 nhân sự. Đây sẽ là đợt cắt giảm sâu nhất của tập đoàn này. Bên cạnh đó, Boeing cho biết sẽ tăng cường sản xuất hai dòng máy bay chở khách thân rộng là 787 Dreamliner và 777.

Cũng trong ngày 30/4, Boeing khẳng định họ sẽ không cần đến khoản cứu trợ của chính phủ liên bang Mỹ sau khi nhận được sự bảo đảm chào bán trái phiếu với quy mô lên tới 25 tỷ USD.

Hãng tiết lộ việc phát hành sẽ chia thành 7 đợt, với kỳ hạn trái phiếu từ 3 đến 40 năm. “Thông qua kết quả phản hồi và các giao dịch chờ kết thúc vào thứ 2, ngày 4/5, chúng tôi cho rằng Boeing sẽ không cần đăng ký thêm nguồn tài trợ bổ sung thông qua thị trường vốn hay các nguồn cứu trợ của chính phủ Mỹ tại thời điểm này”, thông báo của Boeing nêu rõ.

Khi đại dịch COVID-19 lan rộng, hãng Moody's cắt giảm mạnh triển vọng của ngành hàng không. Trước đó, OAG tính toán rằng lưu lượng hành khách hàng không toàn cầu giảm 35% trong tuần trước, mức tồi tệ nhất kể từ khi dịch bệnh tàn phá ngành hàng không thế giới.

“Nhu cầu về đi lại qua đường hàng không đã giảm nghiêm trọng. Đại dịch cũng đang giáng đòn mạnh vào hoạt động kinh doanh của chúng tôi”, ông David Calhoun, Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn Boeing, thổ lộ.

David Calhoun nói tập đoàn đã đề xuất cung cấp gói sa thải tự nguyện đối với 70.000 nhân viên. “Chúng tôi hy vọng sẽ có một số lượng lớn nhân viên tự nguyện ra đi”. Việc giảm nhân sự sẽ diễn ra vào cuối năm 2020.

Boeing đã mất 1,7 tỷ USD do việc giảm các hoạt động chính của tập đoàn, mức thua lỗ tồi tệ hơn dự đoán của Wall Street.

Tập đoàn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, không chỉ bởi cuộc khủng hoảng liên quan đến dòng máy bay 737 Max mà còn bởi các hãng hàng không đã hủy hoặc trì hoãn đơn hàng mua máy bay mới do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Trước đó, việc tạm thời đóng cửa các nhà máy tại bang Washington do lo ngại về sự lây lan dịch bệnh đã khiến Boeing mất 137 triệu USD.

Nhạc Phong