Dự báo VN-Index đối mặt với áp lực điều chỉnh, VNDirect gợi ý câu chuyện đầu tư cho tháng 3
Trong báo cáo chiến lược thị trường vừa được công bố mới đây, nhóm phân tích của Chứng khoán VNDirect cho rằng nhà đầu tư nên cẩn trọng với những nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn của thị trường trong tháng 3.
Cụ thể, trong bối cảnh chưa có nhiều thông tin vĩ mô và chính sách hỗ trợ cùng những rủi ro bên ngoài gia tăng, VN-Index được dự báo có thể chịu áp lực điều chỉnh trong tháng 3.
Vùng hỗ trợ gần nhất của VN-Index là quanh vùng 1.000 điểm và vùng hỗ trợ mạnh là quanh 950 điểm. Trước rủi ro điều chỉnh ngắn hạn, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro, chủ động giảm tỷ lệ đòn bẩy và cố phiếu.
Từ những luận điểm trên, nhóm phân tích cũng gợi ý một số câu chuyện đầu tư cho tháng 3.
Đầu tư công sẽ là câu chuyện hứa hẹn xuyên suốt năm 2023
Chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm để hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất chính thức được khởi công vào ngày 24/12/2022.
Ngoài ra, đã có 14/25 dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 được khởi công trong hai tháng đầu năm 2023. Bên cạnh đó, xu hướng đầu tư xây dựng hạ tầng năng lượng sẽ được đẩy mạnh sau khi Quy hoạch điện 8 được phê duyệt chính thức. Các lựa chọn hàng đầu của nhóm phân tích theo chủ đề này là ACV, AST, C4G, PLC, PC1, và POW.
Các nhóm ngành được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa
Báo cáo của VNDirect Research chỉ ra 4 nhóm ngành có thể được hưởng lợi nhờ câu chuyện tái mở cửa của Trung Quốc.
Một là, nhóm hàng không. VNDirect kỳ vọng tần suất các chuyến bay quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ phục hồi trong thời gian tới, theo đó ước tính lượng khách quốc tế đi/đến của thị trường Trung Quốc sẽ hồi phục về mức 20%/40%/60%/80% so với trước đại dịch trong quý I/quý II/quý III/quý IV của năm 2023, do đó thời điểm lượng khách quốc tế Trung Quốc phục hồi mạnh sẽ rơi vào thời điểm quý II và quý III của năm 2023.
Lượng khách quốc tế của thị trường Trung Quốc chiếm 35% tổng lượng khách quốc tế của Việt Nam trước dịch, do đó, việc Trung Quốc mở cửa sẽ hỗ trợ mạnh cho triển vọng hồi phục của hàng không quốc tế Việt Nam.
Hai là, ngành thủy sản. Thị trường Trung Quốc vẫn là trụ cột quan trọng cho ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Theo VASEP, giá trị xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam đạt 11 tỷ USD trong năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu tới thị trường Trung Quốc tăng 55% so với cùng kỳ lên 1,8 tỷ USD, chiếm khoảng 16,4%.
Vì vậy việc Trung Quốc mở cửa sẽ là một trong những động lực lớn nhất hỗ trợ cho việc tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong năm 2023 của ngành này. Tuy nhiên doanh nghiệp nào có tỷ trọng doanh thu và thị phần lớn ở thị trường này sẽ là những đơn vị được hưởng lợi nhiều hơn.
Ba là, ngành xi măng do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của xi măng Việt Nam khi chiếm tới 54% tổng sản lượng năm 2021.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp nối lại hoạt động xây dựng và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó giúp nhu cầu xi măng tại quốc gia này phục hồi. Bên cạnh đó, việc kỳ vọng sản lượng xuất khẩu phục hồi cũng sẽ giúp các công ty xi măng Việt Nam cải thiện hiệu suất vận hành nhà máy qua đó giúp tăng biên lợi nhuận gộp trong thời gian tới (nhờ giảm chi phí khấu hao/từng sản phẩm).
Bốn là, nhóm cao su. Việc Trung Quốc mở cửa cho hoạt động xuất khẩu không chỉ gỡ được nút thắt về sản lượng đầu ra của cao su mà còn tạo đà tăng cho giá cao su tới từ nhu cầu cao su khá cao cho sản xuất lốp xe. Do đó, VNDirect Research cho rằng các doanh nghiệp dẫn đầu ngành có sản lượng xuất khẩu cao su lớn sang Trung Quốc như PHR, DPR sẽ được hưởng lợi.
Tập trung vào những ngành có chuyển biến tích cực về KQKD trong năm 2023
Theo dự báo của VNDirect, ngành tiêu dùng/bán lẻ sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất là 23,7% so với cùng kỳ trong 2023 nhờ hầu hết các tác động tiêu cực đến tiêu dùng đã phản ánh trong kết quả kinh doanh năm 2022, và động lực phục hồi mạnh đến từ MWG (Bách Hòa Xanh có lãi), VRE (nền thấp trong 6 tháng đầu năm 2022 do gói hỗ trợ COVID-19).
Lợi nhuận ngành hàng không trong năm 2023 sẽ chuyển từ âm sang dương nhờ lượng khách quốc tế từ Trung Quốc quay trở lại Việt Nam.
Bất chấp triển vọng chung của ngành là ảm đạm; bất động sản nhà ở có thể tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong năm 2023, chủ yếu nhờ VHM.
Các ngành khác cải thiện tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023 từ mức cơ sở thấp trong năm 2022, bao gồm nông nghiệp (+18,9% so với cùng kỳ), điện (+18,7%), vật liệu xây dựng (+16,7%).