Thị trường chứng khoán (3/3): Cổ phiếu lớn gây áp lực, VN-Index thủng mốc 1.030 điểm
Đóng cửa, VN-Index giảm 12,84 điểm (1,24%) về 1.024,77 điểm, HNX-Index giảm 1,26 điểm (0,61%) còn 204,89 điểm, UPCoM-Index giảm 0,49 điểm (0,64%) xuống 75,8 điểm.
Nhóm VN30 bất ngờ bị bán mạnh về cuối phiên khiến VN-Index mất gần 13 điểm, trong khi VN30-Index giảm 15 điểm. Thanh khoản thị trường theo đó cũng tăng dần và đạt hơn 8.731 tỷ đồng, riêng nhóm VN30 đóng góp thanh khoản gần 2.030 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường tiêu cực với 576 mã giảm giá, 286 mã tăng giá và 212 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, nhóm VN30 ghi nhận tới 26 mã giảm giá, 1 mã tăng giá và 3 mã đứng giá tham chiếu.
Ngoài nhóm VN30, diễn biến tại các nhóm cổ phiếu khác không có thay đổi nhiều trong phiên ATC, với cùng xu hướng kém tích cực.
Tính đến 14h00, VN-Index giảm 11,07 điểm (1,07%) xuống 1.026,54 điểm, VN30-Index giảm 11,77 điểm (1,14%) còn 1.016,96 điểm.
VN-Index nới rộng đà giảm trong phiên chiều nay với thanh khoản tiếp tục đi ngang bằng phiên hôm qua. Có lẽ hôm nay lại tiếp tục là một trong những phiên có khối lượng khớp lệnh thấp nhất trong hơn một năm trở lại đây. Càng về cuối phiên lực bán lại áp đảo khiến VN30-Index giảm điểm và thủng mốc 1.030.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 8,02 điểm (0,77%) về 1.029,59 điểm, HNX-Index giảm 0,79 điểm (0,38%) còn 205,35 điểm, UPCoM-Index giảm 0,09 điểm (0,12%) xuống 76,19 điểm.
Thị trường duy trì tâm lý thận trọng đến hết phiên sáng, lực cầu chủ yếu chỉ ở mức thăm dò và lực bán có phần gia tăng về cuối phiên khiến sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử. VN-Index dừng phiên sáng giảm hơn 8 điểm.
Toàn thị trường ghi nhận 445 mã giảm, 258 mã tăng và 230 mã tham chiếu. Khối lượng giao dịch khoảng 225,8 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 3.438 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch khớp lệnh trên HOSE tiếp tục suy yếu với 2.226 tỷ đồng, giảm hơn 100 tỷ đồng so với phiên giao dịch trước đó.
Nhóm VN30 giao dịch kém sắc với 27 mã giảm giá, 3 mã tăng. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn kém tích lực kéo tụt VN-Index giảm điểm như VCB, BID, VHM, TCB, CTG, VIC. Diễn biến trái chiều, bộ đôi HPG và MSN đóng vai trò giữ nhịp cho chỉ số.
Ở nhóm cổ phiếu vừa, một vài cổ phiếu giao dịch khởi sắc như NKG (+2,3%), HSG (+1,6%), PVD (+1,2%), VHC (+0,7%), ASM (+0,6%), HBC (+0,4%), ...
Tính đến 11h00, VN-Index giảm 5,44 điểm (0,52%) về 1.032,17 điểm, VN30-Index giảm 4,94 điểm (0,48%) xuống 1.023,79 điểm.
Hai ngân hàng quốc doanh giữ giá tốt nhất trong đợt sụt giảm vừa qua là VCB, BID chịu áp lực điều chỉnh mạnh phiên sáng nay, từ đó gây áp lực lên chỉ số chung. Dòng tiền thận trọng hơn phiên trước với giá trị khớp lệnh trên HOSE tiếp tục suy giảm.
Tính đến 9h50, VN-Index giảm 1,44 điểm (0,14%) về 1.036,17 điểm, HNX-Index tăng 0,35 điểm (0,17%) lên 206,49 điểm, UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (0,16%) đạt 76,4 điểm.
Mở phiên, VN-Index tăng hơn 3 điểm với diễn biến chính vẫn là phân hóa. Sau khoảng 50 phút giao dịch, chỉ số chính sàn HOSE đang chạm xuống vùng giá đỏ dù độ rộng thị trường vẫn đang nghiêng về bên mua.
Sắc xanh lan tỏa ở nhóm thép điển hình như NKG (+4,2%), VGS (+4%), TNA (+3%), HSG (+2,9%), SMC (+2,5%), TVN (+1,9%), HPG (+1,5%), TLH (+1,4%), ... Tương tự, cổ phiếu dầu khí cũng xanh tím hàng loạt với TDG tăng trần lên 3.990 đồng/cp, PVC (+3,1%), PVS (+1,9%), BSR (+1,9%), ...
Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ngày 2/3 đồng loạt đi lên khi nhà đầu tư phớt lờ những lo ngại về lãi suất sẽ tăng lên trong cuộc họp của Fed ngày 21 – 22/3 tới đây.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 342 điểm, tương đương 1,05%, và lấy lại mốc 33.000. Cổ phiếu Salesforce vọt lên 11,5% và hỗ trợ đắc lực cho Dow Jones sau khi công ty phần mềm này công bố kết quả kinh doanh của quý kết thúc vào ngày 31/1 cũng như dự báo hoạt động trong thời gian tới đều khả quan hơn kỳ vọng của giới phân tích.
S&P 500 tăng 0,76% lên 3.981 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng ít nhất với tỷ lệ 0,73%, kết phiên ở 11.463 điểm.