|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dự báo VN-Index có thể trở lại vùng 1.420 điểm, BSC khuyến nghị NĐT mua cổ phiếu gì?

13:34 | 05/08/2021
Chia sẻ
Trong kịch bản khả thi hơn, Chứng khoán BSC cho rằng VN-Index có thể kiểm định lại vùng đỉnh ngắn hạn 1.420 điểm trong quý III với kỳ vọng kiểm soát dịch bệnh trong tháng 8, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế được áp dụng và việc khối ngoại duy trì đà mua ròng.

Sau những diễn biến tích cực trong nửa đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua đợt điều chỉnh mạnh trong tháng 7. Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng, VN-Index dừng lại ở mức 1.310,05 điểm, giảm 6,99% so với tháng 6/2021 và tăng 18,68% so với đầu năm 2021.

BSC: Thị trường có thể quay lại vùng đỉnh ngắn hạn 1.420 điểm trong quý III - Ảnh 1.

Nguồn: Bloomberg, BSC Research.

Hệ số P/E cũng giảm mạnh từ 19,2 lần xuống còn 16,5 lần (tương đương mức giảm 14%). Như vậy, chỉ số P/E của thị trường đã quay lại mức tương đương với P/E bình quân 5 năm gần nhất (16,52 lần) và giữ ở mức thấp so với khu vực châu Á.

Theo dự báo của BSC, chỉ số sẽ tăng trở lại lên mức 17,5 lần trong tháng 8 khi thị trường xuất hiện những nhịp phục hồi.

BSC: Thị trường có thể quay lại vùng đỉnh ngắn hạn 1.420 điểm trong quý III - Ảnh 2.

Nguồn: Bloomberg, BSC Research.

Đánh giá chuyển động theo ngành, có tới 9/11 ngành ghi nhận đà giảm điểm trong tháng 7 do áp lực dịch bệnh gia tăng tại các thành phố lớn. Các nhóm cổ phiếu chịu ảnh hưởng đáng kể nhất phải kể đến hai nhóm ngân hàng và dầu khí với mức giảm đồng thời đạt 10,1%. Theo sau, nhóm ngành tài chính cũng đánh mất 7,9% giá trị trường sau giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh.

Ngược dòng thị trường chung, nhóm ngành công nghệ thông tin và hàng tiêu dùng là 2 nhóm duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương, lần lượt là 5,7% và 1,1% so với thời điểm cuối tháng 6.

Giá trị vốn hóa trên cả ba sàn giảm 5,4% so với cuối tháng 6. Có thể thấy, đây là nhịp điều chỉnh rõ rệt thứ hai trong năm, có mức giảm tương đương giai đoạn tháng 1/2021.

Theo thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), thanh khoản bình quân trên sàn HOSE trong tháng 7 lần lượt đạt trên 20.214 tỷ đồng và 603,1 triệu cổ phiếu, đã giảm về cả giá trị và khối lượng, tương ứng 14,63% và 17,97% so với tháng trước đó.

Xét trên toàn thị trường, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 1,04 tỷ USD, thấp hơn 18% so với kết quả trong tháng 6.

BSC: Thị trường có thể quay lại vùng đỉnh ngắn hạn 1.420 điểm trong quý III - Ảnh 3.

Nguồn: Bloomberg, BSC Research.

Điểm sáng trên thị trường là việc khối ngoại quay trở mua ròng khi thị trường giảm mạnh. Hoạt động mua ròng được ghi nhận chủ yếu từ quy mô giải ngân của quỹ Đài Loan ETF Fubon khi quỹ này tăng mạnh về quy mô trong khi các ETFs còn lại mua bán trái chiều với quy mô nhỏ.

Trong tháng 7, khối ngoại trở lại mua ròng 4.717 tỷ đồng, là tháng có giá trị mua ròng mạnh nhất trong 12 tháng trở lại đây. Trong đó, nhóm cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất phải kể đến NVL (1.377 tỷ đồng), VHM (1.148 tỷ đồng), STB (1.116 tỷ đồng) và MBB (1.040 tỷ đồng).

BSC: Thị trường có thể quay lại vùng đỉnh ngắn hạn 1.420 điểm trong quý III - Ảnh 4.

Nguồn: Bloomberg, BSC Research.

Thống kê tỷ trọng giao dịch theo từng nhóm nhà đầu tư, các cá nhân trong nước tiếp tục duy trì hoạt động giao dịch tích cực trong tháng 7. Cụ thể, nhóm này chiếm tới 83,8% giá trị giao dịch trên toàn thị trường, tuy đã suy giảm so với vùng đỉnh trong tháng 6 nhưng vẫn cao hơn so với mức bình quân 82,2% trong năm.

Tuy có xu hướng bắt đáy và duy trì giao dịch ổn định tại vùng giá quanh 1.250 điểm, tâm lý nhà đầu tư cá nhân vẫn khá thận trọng trước diễn biến dịch bệnh.

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến khó lường với các biến chủng mới, Việt Nam đang nghiêm túc thực hiện các biện pháp giãn cách để kiểm soát đợt bùng phát thứ tư cũng như nhanh chóng phủ rộng tỷ lệ tiêm vắc xin trên toàn quốc. 

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong quý III/2021, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế và việc khối ngoại cùng các ETFs trở lại mua ròng là những yếu tố tích cực, hỗ trợ cho khả năng phục hồi của thị trường.

Trong kịch bản tích cực hơn, BSC dự báo VN-Index sẽ duy trì hồi phục, tích lũy quanh 1.350 điểm và kiểm tra lại đỉnh ngắn hạn 1.420 điểm. Trường hợp ít khả thi hơn, VN-Index sẽ điều chỉnh nhẹ nhưng không đánh mất mốc 1.270 điểm. 

Sau đó chỉ số có thể duy trì xu hướng tăng điểm. Khả năng vận động giá quanh 1.320 điểm có thể xảy ra vào cuối tháng nếu tình hình kiểm soát dịch bệnh không thuận lợi và khối ngoại không duy trì đà mua ròng như trong tháng 6.

Nhóm cổ phiếu cần lưu tâm

Đối với chiến lược đầu tư trong quý III, BSC khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc tăng tỷ trọng đối với các nhóm cổ phiếu dưới đây.

Đầu tiên là các cổ phiếu thuộc nhóm tiện ích (điện, nước, điện thoại, viễn thông), bán lẻ, thực phẩm cùng những nhóm ngành không bị ảnh hưởng mà còn hưởng lợi từ các biện pháp giãn cách xã hôi.

Tiếp theo, nhóm cổ phiếu xuất khẩu nhờ nhu cầu thế giới hồi phục, điển hình như hóa chất, đá, gỗ, may mặc...cũng nên được xem xét nắm giữ.

Thứ ba là nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ chuỗi cung ứng thế giới, nhóm ngành logistic gồm cảng biển, vận tải, kho bãi...

Thứ tư, nhóm cổ phiếu có mức tăng trưởng tốt và giá đã điều chỉnh về mức hợp lý hơn như ngân hàng, thép, chứng khoán.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc nắm giữ lâu dài các nhóm cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận tốt như bán lẻ và nhóm cổ phiếu có tiềm năng tiếp tục hồi phục như công nghệ thông tin - bưu chính viễn thông.

Thảo Bùi