Dự báo VN-Index có thể hướng lên vùng 1.300 điểm, Agriseco gợi ý các cổ phiếu tiềm năng cho tháng 3
Theo báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán Agribank (Agriseco), trong tháng 2, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận một nhịp tăng điểm tích cực, tương đồng với diễn biến chung của thị trường chứng khoán châu Á khi đóng cửa tại mức 1.152 điểm.
Mặc dù là tháng giao dịch có dịp nghỉ tết dài ngày nhưng dòng tiền đổ vào thị trường vẫn tương đối mạnh mẽ với nhiều phiên giao dịch có thanh khoản trên 1 tỷ USD.
Bước sang tháng 3, các nhà phân tích của Agriseco kỳ vọng kết quả kinh doanh quý I sẽ có sự tăng trưởng khả quan trên cơ sở mức nền thấp của năm 2023 khi các tín hiệu phục hồi đã xuất hiện rõ nét hơn từ quý IV/2023. Đây sẽ là động lực chính hỗ trợ đà tăng của thị trường, bên cạnh các yếu tố như lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, ...
"Mặc dù vậy, nhìn một cách tổng thể, VN-Index đã tăng khá mạnh 11% kể từ đầu năm, khiến cho giá của nhiều cổ phiếu đang ở trạng thái tương đối đắt đỏ. Do đó, diễn biến của thị trường trong giai đoạn tới dự báo sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành và giữa các mã cổ phiếu cùng ngành", báo cáo chỉ ra.
Agriseco nhận định các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan cùng với câu chuyện riêng được kỳ vọng sẽ có diễn biến khởi sắc hơn so với thị trường chung.
Xét trên góc nhìn kỹ thuật, xu hướng tăng điểm trong trung và dài hạn của chỉ số tiếp tục được bảo lưu với điểm đỡ đáng lưu ý được đặt quanh vùng 1.180 - 1.200 điểm. Trong kịch bản vùng hỗ trợ này được giữ vững, cơ hội mở rộng đà tăng điểm và hướng lên vùng đích kỳ vọng kế tiếp quanh 1.300 điểm vẫn đang được đánh giá cao.
Dựa trên các yếu tố cơ bản và kỹ thuật được phân tích ở trên, Agriseco Research lựa chọn 7 cổ phiếu cho danh mục khuyến nghị tháng 3 dựa trên các tiêu chí là các mã đầu ngành, có tình hình tài chính lành mạnh và kết quả kinh doanh quý I kỳ vọng tăng trưởng vượt trội và định giá vẫn đang ở vùng hợp lý.
Với FPT, Agriseco nâng giá mục tiêu FPT 1 tháng tới lên 120.000 đồng/cp do tăng dự báo về tốc độ tăng trưởng (1) mảng xuất khẩu phần mềm nhờ các hợp đồng ký mới gia tăng ở Mỹ, Nhật, EU trong các tháng đầu năm 2024; (2) mảng giáo dục dự kiến số lượng người học tăng cao hơn khi FPT đầu năm 2024 đã khởi công thêm trường học tại Hậu Giang, Thanh Hóa, Huế, nâng hệ thống trường 13 ở 11 tỉnh thành cả nước; (3) mảng dịch vụ viễn thông biên lợi nhuận cải thiện hơn nhờ dự án Data center mới sẽ đi vào hoạt động trong năm 2024; (4) giảm lãi suất chiết khẩu do mặt bằng lãi suất phi rủi ro giảm so với tháng trước...
Về HPG, các nhà phân tích kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của ông lớn ngành thép được cải thiện nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào được dự báo giảm trong năm 2024. Bên cạnh đó, dự án khu Liên Hợp Dung Quất 2 đạt trên 45% tiến độ, dự kiến đi vào hoạt động vào quý I/2025 là động lực tăng trưởng trong dài hạn của HPG...
Đối với MBB, tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 của MBBank được hỗ trợ bởi các yếu tố tích cực như sau: (1) Kỳ vọng quy mô tín dụng năm 2024 của MBB tiếp tục tăng trưởng; (2) Tận dụng lợi thế nguồn vốn thấp và tỷ lệ CASA cao sẽ giúp tỷ lệ NIM năm 2024 mở rộng hơn và dự kiến tăng về mức trên 5% sau khi tạo đáy trong năm ngoái; (3) Là ngân hàng sở hữu lợi thế hệ sinh thái dịch vụ tài chính toàn diện, hỗ trợ tăng trưởng bền vững cho MBB trong dài hạn, bao gồm cho vay tiêu dùng, bảo hiểm, môi giới chứng khoán và quản lý quỹ...
Bàn về MWG, các nhà phân tích cho rằng sau khi tái cấu trúc và đóng cửa gần 200 cửa hàng Thế giới di động và Điện máy xanh hoạt động không hiệu quả, hoạt động của MWG nói chung và mảng ICT nói riêng đã trở nên hiệu quả hơn. Mặt khác, chuỗi Bách hóa xanh tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng về doanh thu của toàn bộ công ty...
Với PC1, mảng xây lắp và sản xuất công nghiệp được hưởng lợi từ quy hoạch điện VIII, bên cạnh mảng thủy điện dự báo sẽ tích cực hơn về cuối năm...
Về PVS, động lực tăng trưởng đến từ dự án Lô B Ô Môn. Theo thông tin từ phía doanh nghiệp đã công bố, PVS đã trúng thầu gói EPCI 1 giá trị hơn 1 tỷ USD và được cho phép giải ngân hơn 100 triệu USD từ tháng 11/2023.
Bên cạnh đó, PVS tiếp tục trúng thầu gói EPCI 2 với giá trị ước tính khoảng 400 triệu USD. Đây là dự án thượng nguồn liên quan đến việc xây dựng một số giàn đầu giếng và hệ thống đường ống nội mỏ. PVS được kỳ vọng là một trong các doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất từ dự án Lô B Ô Môn, có thể đảm bảo khối lượng công việc và tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn 2024 - 2027.
Ngoài ra, mảng điện gió ngoài khơi còn nhiều dư địa tăng trưởng, trong khi mảng điện gió ngoài khơi còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Đối với SSI, kết quả kinh doanh quý I/2024 của ngành chứng khoán được kỳ vọng hồi phục từ mức nền thấp so với cùng kỳ. Song song đó, hệ thống KRX được kỳ vọng đưa vào vận hành là thông tin tích cực sẽ hỗ trợ đà tăng giá và thanh khoản giao dịch của các cổ phiếu.
Mặt khác, các thông tin liên quan đến tờ trình tăng vốn được kỳ vọng hỗ trợ tích cực cho giá cổ phiếu. Cụ thể, SSI đang triển khai kế hoạch phát hành thêm 453,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100 : 20, nhằm nâng vốn điều lệ lên gần 19.645 tỷ đồng. Nguồn vốn mới sẽ được sử dụng nhằm nâng cao hoạt động cho mảng vay ký quỹ và tự doanh cổ phiếu