Dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 đạt trên 5%, năm 2024 từ 6 - 6,5%
Tại báo cáo gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội phục vụ phiên họp cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội diễn ra sáng 16/10, Chính phủ dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng khoảng 3,5%, thấp hơn so với mục tiêu khoảng 4,5%. Thu ngân sách Nhà nước phấn đấu đạt hoặc vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất (đến hết tháng 9 đã miễn, giảm, gia hạn khoảng 152,5 nghìn tỷ đồng). Cả năm 2023 ước xuất siêu khoảng 15 tỷ USD.
Với năm 2024, Chính phủ cho rằng cần tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Kế hoạch này có 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó: Tăng trưởng GDP từ 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%-24,2%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4-4,5% ; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8%-5,3%...
“Nhìn chung, năm 2024 là năm thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng dự báo nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí còn nhiều hơn cả năm 2023”, Chính phủ dự báo.
Nghiên cứu tính khả thi của mục tiêu GDP năm 2024
Trình bày Tờ trình Báo cáo tóm tắt Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng dựa trên cơ sở kết quả của 9 tháng, Chính phủ ước tính cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Nguyên nhân khiến năm nay được dự báo có tới 5 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm 2022 có hai chỉ tiêu không đạt) là do tình hình kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục bấp bênh, chịu tác động từ những “cơn gió ngược” hậu COVID-19, căng thẳng địa chính trị cũng như tình trạng lạm phát cao và kéo dài.
Điều này dẫn đến Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều tác động mạnh đến từ bên ngoài, kéo theo những rủi ro về thu hẹp thị trường, sụt giảm đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng và biến động giá cả của các mặt hàng chiến lược cùng với sức ép lớn về tỷ giá, ổn định vĩ mô.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh Chính phủ cần quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như cả năm ước tính có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, ngành công nghiệp chế biến chế tạo từng được coi là động lực dẫn dắt tăng trưởng trong nhiều năm hiện giờ suy giảm.
Bên cạnh đó, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả; Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn; Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thẩm tra dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các định hướng lớn, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho cả năm 2024 như Báo cáo của Chính phủ.
Song cơ quan này cũng đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ; đánh giá kỹ hơn việc lập dự toán ngân sách Nhà nước, nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội.
Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu một số giải pháp như tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.
Tăng cường vai trò của chính sách tài khóa đối với hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các luật đã ban hành; chuẩn bị sớm, bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Quyết liệt khắc phục những hạn chế, yếu kém của một số ngành, lĩnh vực như công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp, những dự án thua lỗ kéo dài, những ngân hàng, doanh nghiệp có vi phạm. Đồng thời, quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay, nhất là về vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, khả năng tiếp cận, năng lực hấp thụ vốn và lao động.