|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự báo giá heo hơi ngày 19/9: Đà tăng chưa có dấu hiệu dừng lại

16:36 | 18/09/2024
Chia sẻ
Sau khi chứng kiến mốc 67.000 đồng/kg xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành khu vực miền Bắc vào phiên sáng nay, một số chuyên gia dự báo rằng giá heo hơi ngày mai có thể vẫn tiếp tục đi lên do ảnh hưởng của mưa lũ khiến nguồn cung giảm tại thị trường này.

Giá heo hơi hôm nay đồng loạt tăng sau mưa lũ

Thị trường miền Bắc ghi nhận lượng cung giảm do ảnh hưởng bởi mưa lũ, khiến giá heo hơi tăng nhẹ, mốc 67.000 đồng/kg xuất hiện tại nhiều tỉnh thành, gồm: Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội và Thái Bình.

Giá heo hơi tại Hà Nam cũng tăng 1.000 đồng/kg, đạt ngưỡng 66.000 đồng/kg. Hiện tại, các thương lái phía Bắc đang thu mua trong khoảng 65.000 - 67.000 đồng/kg.

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên tăng 2 giá tại Nghệ An và Đắk Lắk. Hiện tại, Thanh Hoá và Nghệ An là hai tỉnh có giá giao dịch cao nhất khu vực, với giá 66.000 đồng/kg. Cùng ghi nhận mức tăng này, heo hơi tại Lâm Đồng đang được bán ra với giá 65.000 đồng/kg.

Sau khi tăng 1.000 đồng/kg, Khánh Hoà và Ninh Thuận đều giao dịch tại giá 63.000 đồng/kg, Bình Thuận lên giá 64.000 đồng/kg.

Khu vực miền Nam cũng đi lên theo xu hướng chung. Theo khảo sát trong phiên sáng nay, mức tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg được ghi nhận tại các tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh và TP HCM.

Hiện tại, ngoài tỉnh Tiền Giang đang giao dịch với giá 62.000 đồng/kg, giá heo hơi tại các tỉnh, thành trong khu vực dao động trong khoảng 63.000  - 65.000 đồng/kg.

Nhìn chung, giá heo hơi hôm nay vẫn tiếp tục đà tăng tại cả ba miền. Trong đó, thị trường miền Bắc vẫn giữ giá giao dịch cao nhất cả nước. Hiện tại, giá khảo sát tại các khu vực trong khoảng 62.000 - 67.000 đồng/kg. 

Nhiều chuyên gia dự báo rằng giá heo hơi ngày mai có thể vẫn tiếp tục đi lên do ảnh hưởng của mưa lũ khiến nguồn cung giảm tại thị trường miền Bắc.

Huyện Thống Nhất (Đồng Nai) quyết liệt xử lý vấn đề môi trường trong chăn nuôi

UBND huyện Thống Nhất cho biết, đến nay, huyện đã di dời được 46/74 cơ sở phải thực hiện di dời ra khỏi vị trí đang chăn nuôi, theo Báo Đồng Nai.

Những cơ sở, trang trại còn lại chủ yếu chăn nuôi theo quy mô nông hộ và dự kiến đến đầu năm 2025 sẽ di dời hết số cơ sở này theo đúng lộ trình của tỉnh.

Thời gian qua, địa phương rất tích cực tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm nên vấn đề môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến tích cực. Các cơ sở chăn nuôi còn lại trên địa bàn huyện rất quan tâm thực hiện nâng cấp, cải tạo, sửa chữa hoặc đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi.

Ông Cao Tiến Sỹ, Bí thư Huyện ủy Thống Nhất cho hay, kết quả kiểm tra, khảo sát tại một số con suối trên địa bàn huyện cho thấy đã giảm hẳn ô nhiễm do chất thải chăn nuôi, các vấn đề môi trường trong chăn nuôi đã có sự chuyển biến.

"Quan điểm của địa phương là không khuyến khích nhân rộng chăn nuôi nhỏ lẻ, vì vấn đề dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, khó kiểm soát giết mổ lậu gây mất an toàn thực phẩm. Việc cần quan tâm hiện nay là tìm mô hình phù hợp cho người chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển đổi ngành nghề", lãnh đạo huyện Thống Nhất thông tin thêm.

Anh My