|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dự báo CPI tháng 11 tăng 0,1 – 0,15%, lạm phát cả năm không vượt 4%

16:21 | 14/11/2024
Chia sẻ
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 sẽ tăng khoảng 0,1 – 0,15% so với tháng trước và CPI bình quân cả năm sẽ không vượt quá 4%.

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương vừa đưa ra dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 sẽ tăng khoảng 0,1 – 0,15% so với tháng trước.

Về nguyên nhân, đơn vị này cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều và tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, nhưng tình hình kinh tế xã hội trong nước tiếp tục duy trì xu hướng tích cực, tạo đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Theo đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 10 ước tăng lên trên 51 điểm, tăng mạnh so với 47,3 điểm của tháng 9 trước đó. Giá hàng hóa dịch vụ tiêu dùng ổn định ở mức thấp, nguồn cung hàng hóa dồi dào, sức mua tiếp tục đà phục hồi, nhưng mức độ còn chậm.

Diễn biến CPI so với tháng trước giai đoạn 10 tháng đầu năm 2024. (Nguồn: TCTK)

Với xu hướng này, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho rằng chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát và dư địa kiểm soát lạm phát năm 2024 theo mục tiêu của Quốc hội vẫn còn khá lớn và dự báo CPI bình quân cả năm sẽ không vượt quá 4% bởi nhiều yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá. 

Cụ thể, lạm phát toàn cầu hạ nhiệt giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát.Một số chính sách hỗ trợ về thuế tiếp tục được thực hiện như hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng góp phần giảm chi phí hình thành giá hàng hóa và dịch vụ…

Nguồn cung lương thực, thực phẩm vẫn khá dồi dào. Một yếu tố tác động lớn đó là sức cầu vẫn khá yếu, người tiêu dùng còn dè dặt trong chi tiêu.

Một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá 

Ngược lại, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cũng lưu ý vẫn còn một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm như: Giá điện, giá dịch vụ giáo dục, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có thể được điều chỉnh tăng theo lộ trình; Giá thép, giá xi măng tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng; và giá các nhóm mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu có thể tăng nhẹ vào dịp Lễ hội cuối năm.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), ước tính đến cuối năm 2024, lạm phát nhập khẩu toàn cầu có thể tăng 1,5%. Đây là tín hiệu đáng lo ngại cho các quốc gia nhập khẩu như Việt Nam, khi lạm phát không chỉ gia tăng mà còn làm suy giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước

Nếu như các mặt hàng trong rổ hàng hóa tiếp tục tăng lên do chủ trương tăng lương cơ bản và lương tối thiểu từ 1/7; bình quân giá điện tăng 4,8% từ 11/10; và đến năm 2025 nhiều mặt hàng thiết yếu tăng hơn nữa cũng tạo ra cho áp lực lạm phát kỳ vọng trong xã hội.

“Để tạo đà cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng thì giữ ổn định cán cân vĩ mô, trong đó chỉ số lạm phát”, ông Việt nêu rõ.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách. (Ảnh: NVCC).

Trong bối cảnh đó, dù khá yên tâm với mục tiêu lạm phát đề ra ở mức 4%, song Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí thời điểm này cần được cân nhắc thận trọng, phù hợp về mức độ cũng như thời điểm tăng giá. Tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm sẽ tạo ra lạm phát kỳ vọng và tạo áp lực lên việc điều hành giá trong năm 2025.

Cùng với đó, Chính phủ cần kiểm soát giá, tránh hiện tượng "tát nước theo mưa" theo việc tăng giá điện gây ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Trong đó, công tác thông tin truyền thông rất quan trọng, tức là phải thông tin một cách hiệu quả, rõ ràng về các chỉ đạo điều hành của Chính phủ, tránh thông tin sai lệch gây nên lạm phát kỳ vọng.

Đặc biệt, khi giá điện tăng chắc chắn ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, dẫn đến giá các mặt hàng sẽ có xu hướng tăng. Vì vậy, thời gian tới, doanh nghiệp cũng cần phải quan tâm đến việc tiết kiệm điện, coi tiết kiệm điện là giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, từ đó tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp và giảm giá thành sản phẩm.

Ngọc Bảo