Dự báo biên lợi nhuận Hoa Sen, Nam Kim giảm trong năm tới
Trong quý III/2021, biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp ngành thép như Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) hay CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) đồng loạt đi xuống so với đỉnh lịch sử trong quý II.
Theo Chứng khoán SSI, nguyên nhân là các doanh nghiệp không còn lợi thế hàng tồn kho chi phí thấp như trong nửa đầu năm. Mặc dù vậy, tỷ lệ lợi nhuận gộp trên mỗi tấn sản phẩm vẫn ở mức cao hơn nhiều so với năm ngoái do giá xuất khẩu tăng.
Nhu cầu ở thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu đi lên, giúp giá bán tăng 30%-90% so với giá trong nước và Châu Á, cùng với tỷ trọng xuất khẩu tăng đã giúp giá bán trung bình của Hoa Sen và Nam Kim tăng khoảng 70%-75% so với một năm trước.
Trong đó, biên lợi nhuận của Nam Kim ổn định hơn nhờ đóng góp sản lượng xuất khẩu vào tổng doanh thu quý III là 81%, trong khi tỷ lệ của Hoa Sen chỉ là 70%. Vì vậy, Nam Kim đã được hưởng lợi nhiều hơn từ việc tăng giá tại thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu.
Chi phí bán hàng của Nam Kim trong quý III/2021 tăng 522% so với cùng kỳ và 90% so với quý liền trước lên 464 tỷ đồng. Tương tự, chi phí bán hàng của Hoa Sen cũng tăng 61% so với năm ngoái và 45% so với quý trước lên 1.244 tỷ đồng.
Theo SSI, chi phí xuất khẩu của Hoa Sen lên tới 798 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ do sản lượng xuất khẩu tăng và cước phí vận chuyển lên cao. Do đó, tỷ lệ lợi nhuận trên mỗi tấn sản phẩm ở mức 1,7 triệu đồng/tấn (với Hoa Sen) và 2,2 triệu đồng/tấn (với Nam Kim), giảm lần lượt 37% và 28% so với quý trước, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
SSI nhận định sản lượng và lợi nhuận quý cuối năm 2021 có thể duy trì ở mức cao nhờ các đơn hàng ký từ trước với giá tốt.
Hoa Sen đã giành được đơn hàng xuất khẩu khoảng 130.000 tấn/tháng cho đến tháng 1/2022, trong khi Nam Kim đã nhận đơn đặt hàng đến tháng 2/2022.
Giá xuất khẩu ước tính vẫn ở mức cao trong quý IV/2021, do các doanh nghiệp đã chốt giá trước ba tháng. Đồng thời với việc nhu cầu trong nước hồi phục sau khi kết thúc giãn cách xã hội, cả hai công ty đều có khả năng duy trì tỷ suất hoạt động gần mức tối đa trong quý tới. Nhờ đó, lợi nhuận quý IV có thể không chênh lệch nhiều so với quý III và vẫn tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ.
Sản lượng tiêu thụ 2022 có thể tăng trưởng nhẹ do nhu cầu nội địa hồi phục bù đắp xuất khẩu chậm lại. SSI ước tính nhu cầu thép dẹt trong nước tăng khoảng 10% trong 2022 do nhu cầu dồn nén và hoạt động xây dựng hồi phục ở lĩnh vực bất động sản và khu công nghiệp.
Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu có thể chậm lại do chuỗi cung cứng toàn cầu ổn định. Do đó, đóng góp từ kênh nội địa có thể tăng trong 2022. SSI dự báo sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen trong 2022 tăng 2% lên 2,3 triệu tấn, trong đó kênh nội địa ước tính tăng 11% lên 1,12 triệu tấn. Ngược lại, sản lượng xuất khẩu ước tính giảm 6% còn 1,16 triệu tấn.
Đối với Nam Kim, SSI dự báo tổng sản lượng tăng 4% so với 2021, đạt 1,13 triệu tấn. Sản lượng trong nước ước tính tăng 27% lên 460.000 tấn, trong khi xuất khẩu giảm 8% còn 666.000 tấn.
Nam Kim dự kiến sẽ tăng 10%-15% công suất lên 1,25-1,3 triệu tấn vào nửa cuối 2022, với tổng vốn đầu tư là 4 triệu USD. Năm 2023, công ty ước tính đầu tư thêm khoảng 50 triệu USD để tăng công suất thêm 300.000 tấn.
Trong 10 tháng đầu năm 2021, Hoa Sen tiêu thụ hơn 1,59 triệu tấn tôn mạ còn Nam Kim bán ra 776.000 tấn, số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy.
Chứng khoán SSI cho rằng biên lợi nhuận năm 2022 của doanh nghiệp tôn mạ có thể giảm do giá thép điều chỉnh.
Giá tôn mạ trong dài hạn nhiều khả năng sẽ biến động theo xu hướng giá thép cán nóng (HRC). Giá HRC gần đây đã điều chỉnh 10%-20% từ đỉnh do nhu cầu chậm lại và giá quặng sắt giảm.
Mặc dù giá bán tại Mỹ vẫn ở mức cao, SSI cho rằng chênh lệch giữa thị trường Mỹ và các khu vực khác sẽ thu hẹp trong 2022 do chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định trở lại, và chính sách bảo hộ của Mỹ đối với thép nhập khẩu từ một số quốc gia như Nhật Bản, khối EU, …
Do đó, biên lợi nhuận từ kênh xuất khẩu có thể giảm từ mức cao trong 2021. Ngoài ra, các công ty thép có thể không được hưởng lợi đáng kể từ hàng tồn kho giá rẻ trong 2022 như với năm 2021. SSI ước tính biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen và Nam Kim điều chỉnh còn 15,5% và 11,3% trong 2022, từ 18,2% và 16% trong 2021