|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dự án Tisco II nằm 'đắp chiếu', chịu lãi 1.992 tỉ đồng

11:25 | 10/12/2019
Chia sẻ
Khi dự án nghìn tỉ đồng vẫn nằm "đắp chiếu", hoạt động kinh doanh của Tisco khá èo uột, việc thoái vốn Nhà nước tại Tisco vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xử lí các khoản vay tại ngân hàng.

Nặng nợ với Tisco II

Liên quan đến Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II (Dự án Tisco II) tại Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco), ngày 9/12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra kết luận xác định vi phạm của một loạt cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để tổng công ty có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong thực hiện Dự án.

Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà máy đắp chiếu nhiều năm liền. Nguy cơ mất trắng hàng nghìn tỉ đồng vốn nhà nước mà phương án tháo gỡ khó khăn đã nhiều lần được đưa ra bàn bạc hướng xử lí nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Theo số liệu công bố trong báo cáo tài chính quí II/2019 của Tisco cho thấy, tổng giá trị đầu tư của Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án Tisco II) đã thực hiện là 5.218 tỉ đồng, trong đó chi phí lãi vay được vốn hóa là 1.923 tỉ đồng.

Đến ngày 30/9, giá trị xây dựng cơ bản dở dang cho dự án này đã lên tới 5.287 tỉ đồng. Như vậy, chỉ tính trong quí III/2019 dự án Tisco II đã phát sinh thêm 69 tỉ đồng chi phí lãi vay, theo đó tổng chỉ phí lãi vay được vốn hóa lũy kế đến hết tháng 9/2019 là 1.992 tỉ đồng, chiếm hơn 34% tổng mức đầu tư.

Tổng mức đầu tư cho dự án Tisco II tính đến hết quí III/2019 đã lên tới 5.287 tỉ đồng. Nguồn: BCTC quí III/2019 của Tisco.

Tổng mức đầu tư cho dự án Tisco II tính đến hết quí III/2019 đã lên tới 5.287 tỉ đồng. Nguồn: BCTC quí III/2019 của Tisco.

Trong khi dự án Tisco II tiêu tốn rất nhiều nguồn lực mà vẫn nằm "đắp chiếu" nhiều năm, bức tranh kinh doanh của Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) với nguồn thu chính từ nhà máy giai đoạn 1 cũng không còn giữ được sự hiệu quả.

Trong 5 năm trở lại đây, doanh thu của Tisco vẫn tăng trưởng đều đặn trên 10% mỗi năm, đến năm 2018 doanh thu đã vượt mốc 10.000 tỉ đồng. Dù vậy, sức cạnh tranh kém với biên lợi nhuận khiến nghiệp này thu về chẳng được bao nhiêu, chưa kể chi phí lãi vay từ dự án Tisco II đã được vốn hóa vào chi phí đầu tư.

Ngay cả trong giai đoạn bùng nổ của ngành thép năm 2016 - 2017, biên lợi nhuận gộp cao nhất của Tisco cũng chỉ ở mức 8,2%, thấp hơn khá nhiều so với mức trên 30% của các doanh nghiệp khác trong ngành như Thép Hòa Phát, Thép Việt Đức, Thép Việt Ý.

Giai đoạn sau đó, lợi nhuận sau thuế mỗi năm của Tisco chỉ ở mức dưới 100 tỉ đồng, trong khi riêng chi phí lãi vay mỗi năm đã lên tới trên 200 tỉ đồng.

Với mức lợi nhuận khiêm tốn như vậy, đến khi nào Tisco mới có đủ tiền để thanh toán các khoản nợ vay ngân hàng lên tới vài nghìn tỉ đồng, hay chỉ tính riêng chi phí lãi vay cũng đã lên tới hàng trăm tỉ đồng?

Kết quả kinh doanh Tisco II

Nguồn: Đan Nguyên tổng hợp.

"Tắc đường" thoái vốn

Thực tế cho thấy, Tisco vẫn đang nỗ lực trong việc trả bớt một phần nợ gốc và lãi vay ngân hàng. Đơn cử, trong 9 tháng đầu năm 2019, công ty đã giảm hơn 740 tỉ đồng nợ vay ngân hàng. Dù vậy, các khoản vay vẫn còn khá lớn.

Tại thời điểm 30/9, tổng nợ vay ngân hàng của Tisco ở mức 4.977 tỉ đồng, chiếm một nửa trong cơ cấu nguồn vốn. Thậm chí nếu so với vốn chủ sở hữu, nợ vay đang ở mức cao gấp hơn 2,6 lần.

Theo ông Hoàng Ngọc Diệp - Tổng Giám đốc công ty, trong những năm qua Tisco đã chuẩn bị và thực hiện tốt nhiều giải pháp để "hóa giải" từng bước những khó khăn như tìm giải pháp hạ giá thành bình quân trong các khâu, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để bảo đảm nguồn vốn sản xuất, Tisco đã chủ động làm việc với các ngân hàng, đối tác cung cấp nguyên nhiên vật liệu, nhà phân phối, từ đó lập kế hoạch sản xuất trong từng kỳ nhằm giảm áp lực về tài chính, duy trì nhịp sản xuất ổn định theo cung cầu thị trường. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay của Tisco vẫn là dự án Tisco II.

Nợ vay của Tisco

Nợ vay của Tisco đang có xu hướng giảm dần trong những năm trở lại đây, tuy nhiên vẫn chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu nguồn vốn. Nguồn: Đan Nguyên tổng hợp.

Theo Quyết định 1468 của Chính phủ về xử lí tồn tại 12 dự án doanh nghiệp tồn tại yếu kém của ngành Công thương, với tình trạng của Tisco, VNSteel sẽ tập trung vào hai nhiệm vụ. Một là, giải quyết dứt điểm đối với nhà thầu EPC. Thứ hai là thực hiện thoái vốn Nhà nước, tức vốn của TCT Thép tại Tisco.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thoái vốn tại Tisco vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có tồn tại nghĩa vụ bảo lãnh dự án tại VietinBank.

Cụ thể, khi thực hiện dự án Tisco II, Tisco có kí hợp đồng tín dụng với VietinBank tài trợ vốn 1.840 tỉ đồng vào năm 2010. Để ngân hàng có thể triển khai hợp đồng tín dụng cho dự án, VNSteel đã đứng ra cam kết thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Hiện tại, sau nhiều lần làm việc, VietinBank vẫn chưa tháo nghĩa vụ bảo lãnh cho VNSteel.

Nói về kế hoạch thoái vốn Tisco, Chủ tịch VNSteel cho biết đã báo cáo với Ban chỉ đạo xử lí dự án yếu kém ngành Công thương.

"Chúng tôi sẽ xây dựng phương án sớm và báo cáo SCIC. Sau đó, SCIC báo cáo Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước để trình lên Ban chỉ đạo quyết định sớm phương án thoái vốn. Chúng tôi hi vọng có thể thực hiện sớm việc thoái vốn tại Tisco", Chủ tịch Nghiêm Xuân Đa trả lời.

Thực tế, quá trình này đã kéo dài nhiều năm nay, việc tìm được đối tác chiến lược phù hợp để bán được vốn tại Tisco gần như vẫn chỉ mới dừng ở kế hoạch. Việc thực thi cho đến nay vẫn chưa có tiến triển, trong khi cứ kéo dài thì nguy cơ lãi mẹ tiếp tục đẻ lãi con, nợ chồng thêm nợ.

Dự án nghìn tỉ đồng bị "đắp chiếu" nhiều năm

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên là một trong những dự án trọng điểm nằm trong danh sách 12 dự án yếu kém ngành Công thương thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng.

Vào ngày 14/2, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra toàn diện dự án này. Kết luận nêu rõ, Dự án Tisco II được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 5/4/2005 do Công ty Gang thép Thái Nguyên - nay là CTCP Gang thép Thái Nguên (Tisco - Mã: TIS) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỉ đồng (242,5 triệu USD).

Dự án gồm 2 gói thầu chính, trong đó gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ có tổng giá trị 442 tỉ đồng, hiện đã hoàn thành đưa vào sử dụng với giá trị thanh toán trên 224 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, gói thầu EPC dây chuyền công nghệ luyện kim đấu thầu rộng rãi có giá trị 143 triệu USD, sau đó điều chỉnh lên 160,9 triệu USD và được thực hiện bởi nhà thầu Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc (MCC).

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, chủ trương đầu tư dự án Tisco II là phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm nâng cao hiệu quả khai thác quặng, sản xuất thép và ổn định việc làm cho gần 5.000 cán bộ, công nhân viên.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, cả Tisco, MCC, VNSteel, Bộ Công thương và các đơn vị, cá nhân có liên quan đã có những khuyết điểm, sai phạm gây nguy cơ thất thoát hàng nghìn tỉ đồng vốn nhà nước.

Cụ thể, số liệu tại thời điểm thanh tra cho thấy, tổng giá trị Tisco đã thanh toán cho dự án là gần 4.422 tỉ đồng, bao gồm cả tổng dư nợ gốc và lãi vay phải trả ngân hàng gần 3.897 tỉ đồng (lãi vay phải trả trên 40 tỉ đồng mỗi tháng).

Trong đó, Tisco đã thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng (phần E là 2,9 triệu USD; phần P là hơn 106 triệu USD) mặc dù các hạng mục của dự án đều chưa hoàn thành. Thậm chí, đến năm 2013, MCC và các nhà thầu đã dừng thi công.

Ngày 15/5/2013, chủ tịch HĐQT Tisco đã kí quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tăng thêm hơn 4.200 tỉ đồng lên mức 8.105 tỉ đồng, dự kiến đến hết năm 2014 đi vào hoạt động. Tuy nhiên trên thực tế, dự án đã dừng thi công từ năm 2013 đến nay với các hạng mục đều chưa hoàn thành.

Theo qui định, dự án không được điều chỉnh tổng mức đầu tư do sử dụng trên 30% vốn Nhà nước và cũng không có cơ sở điều chỉnh tổng mức đầu tư đối với hợp đồng EPC. Trong khi, việc thẩm tra và rà soát hiệu quả kinh tế chưa được thực hiện đầy đủ.

Liên quan đến sai phạm tại dự án này, một số cựu lãnh đạo của VNSteel và Tisco đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an (C03) ra quyết định khởi tố về tội vi phạm qui định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải (khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ) cũng đã có những ý kiến chỉ đạo liên quan đến những thay đổi, điều chỉnh dự án và tổng mức đầu tư cả dự án.

Đan Nguyên

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.