|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dự án Metro Ngọc Hồi - Yên Viên: Chưa rõ phương án đầu tư

22:45 | 06/02/2020
Chia sẻ
Mặc dù được định danh là tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội, nhưng phương án đầu tư Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên vẫn chưa thực sự rõ ràng, dù công trình này đã được khởi động hơn 15 năm trước.
Dự án Metro Ngọc Hồi - Yên Viên: Chưa rõ phương án đầu tư - Ảnh 1.

Dự án Metro Ngọc Hồi - Yên Viên được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương và giao Bộ GTVT quyết định đầu tư để triển khai thực hiện từ năm 2004.

Ngừng vay vốn

Sự bất ổn trong quá trình triển khai Dự án Xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1: Ngọc Hồi - Yên Viên (Dự án Metro Ngọc Hồi - Yên Viên) sử dụng vốn vay ODA từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là điều có thể nhận thấy, nếu căn cứ theo nội dung Công văn số 576/BGTVT - KHĐT vừa được Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) gửi tới Chính phủ.

Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ý kiến của Bộ Tài chính về việc xem xét hủy Hiệp định VN12-P4 với khoản vay vốn từ JICA trị giá 14,921 tỷ yên dành cho Dự án giai đoạn I (Tổ hợp Ngọc Hồi), Dự án Metro tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên.

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, trong bối cảnh Dự án Metro Ngọc Hồi - Yên Viên đang chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để tiến hành điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh dự án, việc tiếp tục duy trì Hiệp định VN12-P4 có thể dẫn tới lãng phí nguồn vốn ngân sách do tiếp tục phải trả phí cam kết cho số tiền vay nước ngoài chưa được sử dụng.

Được biết, Dự án Metro Ngọc Hồi - Yên Viên được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương và giao Bộ GTVT quyết định đầu tư để triển khai thực hiện từ năm 2004. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Dự án đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ và đang phải tiến hành điều chỉnh phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn cho phù hợp với thực tế và khả năng huy động vốn.

“Trong bối cảnh Dự án giai đoạn I (Tổ hợp Ngọc Hồi) đã được phê duyệt điều chỉnh từ năm 2017, vốn từ Hiệp định vay VN12-P4 chưa được giải ngân, việc Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, có ý kiến chỉ đạo đối với các kiến nghị, đề xuất của Bộ GTVT về việc điều chỉnh dự án và bố trí nguồn vốn là rất cần thiết”, ông Đông cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, từ tháng 5 đến tháng 10/2019, Bộ Tài chính đã có liên tiếp 2 công văn gửi Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ góp ý về việc triển khai thủ tục điều chỉnh Hiệp định vay VN12-P4 cho phù hợp với phạm vi, thời gian thực hiện Dự án đầu tư giai đoạn I được điều chỉnh.

Theo Bộ Tài chính, do Hiệp định VN12-P4 được ký từ năm 2013 và đến nay đã 6 năm chỉ mới được sử dụng để trả phí cam kết.

Trong khi đó, Dự án chưa triển khai và việc điều chỉnh Dự án của Bộ GTVT có thể kéo dài dẫn đến ngân sách nhà nước tiếp tục phải trả phí cam kết cho số tiền vay nước ngoài chưa được sử dụng. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ hủy khoản vay JICA (theo Hiệp định vay VN12-P4) để tránh phát sinh phí cam kết và chỉ đặt lại vấn đề tiếp cận các khoản vay ODA và ưu đãi để đầu tư các dự án nêu trên sau khi đã hoàn tất các thủ tục đầu tư trong nước.

Dự án Metro Ngọc Hồi - Yên Viên: Chưa rõ phương án đầu tư - Ảnh 2.

Vỡ sâu tiến độ

Trước đó, trong công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 12/2019, Bộ GTVT xác nhận, đơn vị đại diện chủ đầu tư Dự án là Ban Quản lý dự án đường sắt có thể giải ngân khoản vay đầu tiên của Hiệp định VN12-P4 cho các hạng mục xây lắp vào tháng 7/2020.

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, dù đến nay, cả Dự án giai đoạn I và giai đoạn IIA chưa giải ngân được vốn từ Hiệp định vay VN12-P4 (ngoài chi phí cam kết vốn hàng năm từ năm 2013 đến nay), nhưng với việc hủy khoản vay nêu trên, sẽ không xác định được nguồn vốn nước ngoài cho dự án giai đoạn I và không có cơ sở bố trí vốn đối ứng để triển khai được Dự án. Bên cạnh đó, việc đề cập lại khoản vay ODA với nhà tài trợ sau khi đã hoàn tất thủ tục đầu tư trong nước cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian.

Cần phải nói thêm rằng, sau hơn 15 năm khởi động, ngoài Tổ hợp Ngọc Hồi đang tiến hành giải phóng mặt bằng, Dự án Metro Ngọc Hồi - Yên Viên còn đang đứng trước những thay đổi rất lớn. Vào tháng 8/2019, Bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ chấp thuận thực hiện tuyến metro số 1 Hà Nội theo hướng chỉ đáp ứng chức năng đường sắt đô thị, không đầu tư xây dựng hợp phần đường sắt quốc gia chạy chung với đường sắt đô thị.

Đối với Tổ hợp Ngọc Hồi, Bộ GTVT sẽ tiếp tục triển khai và thực hiện Dự án giai đoạn I (tập trung phạm vi phần đường sắt quốc gia) và giao UBND TP. Hà Nội tiếp nhận, thực hiện đầu tư các hạng mục còn lại thuộc Tổ hợp Ngọc Hồi, bao gồm các khu chức năng, công trình liên quan đến đường sắt đô thị và toàn tuyến từ Ngọc Hồi đến Yên Viên.

Giải thích về đề nghị chuyển đổi chủ đầu tư, Bộ GTVT cho biết, xuất phát từ các quy hoạch trước đây, metro số 1 Hà Nội là tuyến chạy chung giữa đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia khổ 1.000 mm, nên thời gian vừa qua, bộ này phải sắm vai cơ quan chủ quản đầu tư dự án.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 73, Luật Đường sắt, việc tổ chức đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác đường sắt đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội sẽ do UBND TP. Hà Nội thực hiện. Đồng thời, theo quy định tại Điều 33, Luật Quản lý nợ công, UBND TP. Hà Nội thuộc đối tượng được vay lại nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.

Trong khi đó, Bộ GTVT cũng như Ban Quản lý dự án đường sắt không thuộc đối tượng được vay lại theo quy định tại Điều 33, Luật Quản lý nợ công. Do đó, với việc Bộ GTVT là cơ quan chủ quản đầu tư, quản lý khai thác dự án sẽ khó khăn trong việc xác định được chủ thể vay lại và chồng chéo về tổ chức khai thác.

Liên quan đến việc huy động vốn thực hiện Dự án hiện đã đội vốn gấp 9 lần so với kế hoạch ban đầu (9.197/81.537 tỷ đồng), Bộ GTVT cho rằng, việc tìm đủ nguồn lực đầu tư để đảm bảo mục tiêu của toàn dự án thực sự là bài toán khó, với lối thoát khả dĩ nhất là trông đợi vào việc khai thác quỹ đất trên địa bàn thành phố. Mặc dầu vậy, cơ chế huy động vốn cho Dự án Metro Ngọc Hồi - Yên Vên sẽ chỉ được thực hiện sau khi những điều chỉnh về phương án triển khai được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền.

“Về tiến độ triển khai Dự án giai đoạn I, do khó khăn về nguồn vốn đối ứng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Tổ hợp Ngọc Hồi (từ năm 2009 đến 2017, Dự án mới được bố trí 388 tỷ đồng, kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020 được giao 512 tỷ đồng và mới được bổ sung 1.000 tỷ đồng), nên khả năng hoàn thành giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ hoàn thành giai đoạn I vào năm 2024 là khó đạt được”, Bộ GTVT cho biết.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Bảo Như

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.