Li kì chuyện Đan Mạch xây tuyến metro ngầm 3,2 tỉ USD
Dân số TP Copenhagen, Đan Mạch đang tăng với tốc độ xấp xỉ 10.000 người/năm, vì vậy, nhu cầu tìm đến những giải pháp giao thông bền vững cho thành phố này đang ngày càng cấp thiết.
Đó chính là lý do vì sao Chính phủ Đan Mạch quyết tâm xây dựng tuyến tàu điện ngầm mới mang tên Cityringen với quy mô lớn nhất trong 400 năm trở lại đây, bất chấp những thách thức về kỹ thuật vô cùng lớn.
“Công trình làm thay đổi cuộc chơi”
Cityringen vừa được khai trương vào tháng 9/2019 sau 8 năm xây dựng, trị giá 3,2 tý USD, đánh dấu công trình xây dựng lớn nhất trong 400 năm trở lại đây tại Đan Mạch từ thời vua Christian IV.
Đây là tuyến tàu điện không người lái và hoàn toàn tự động, dự kiến có thể vận tải hơn 100 triệu hành khách/năm. Tuyến tàu này có 15,5km đường hầm dưới lòng đất, với các nhánh “chân rết” tỏa từ khu vực trung tâm đô thị tới khắp các khu vực dân cư đông đúc.
Tàu sẽ vận hành với thời gian chính xác rất cao như tuyến tàu điện hiện có. Trong giờ cao điểm, tối đa 3 phút lại có một chuyến khởi hành.
Trước khi có công trình này, Đan Mạch khá chật vật trong vấn đề vận tải đô thị khi lưu lượng người tham gia giao thông, đặc biệt là tàu điện không ngừng tăng nhanh.
Cụ thể, năm 2018, có 64,7 triệu hành khách sử dụng tàu điện hiện có, tăng khoảng 1,2 triệu lượt khách so với năm 2017, đánh dấu lượng khách sử dụng Metro cao nhất từng có kể từ khi mở cửa vào năm 2002. Chưa kể, theo dự đoán của nhiều chuyên gia, lượng khách dùng Metro sẽ tăng gấp đôi lên 122 triệu người ngay trong năm 2020 này.
Với tuyến tàu điện mới, ngành vận tải công cộng Đan Mạch được củng cố đáng kể. “Hệ thống tàu điện mới sẽ giúp giảm tắc nghẽn, tạo ra các trung tâm vận tải mới, đảm bảo hệ thống vận tải công cộng tại thủ đô mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Công trình tàu điện mới sẽ cải thiện đáng kể không chỉ cho đời sống của những người trong thành phố mà cả những người thường xuyên qua lại Copenhagen, khách du lịch…”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Đan Mạch Benny Engelbrecht đánh giá.
Không chỉ vậy, với 17 nhà ga mới, Cityringen được nhận định sẽ thay đổi hoàn toàn bộ mặt thủ đô bởi nó không chỉ tạo kết nối cho mọi người còn tạo ra rất nhiều không gian đô thị mới được tạo ra xung quanh nhà ga.
Mỗi nhà ga sẽ được xây dựng phản chiếu đặc điểm nơi nó mọc lên nên thiết kế được thực hiện dựa theo từng bối cảnh, tính chất và môi trường xung quanh.
Chẳng hạn, tại nhà ga tàu điện ở quảng trường thành phố, nhà thiết kế đã xây dựng một đường đi dành cho xe đạp, trồng thêm nhiều cây và ghế băng dài, trong khi khu vực nhà ga gần Nhà thờ bằng đá hoa (Marmorkirken) cổ kính được xây dựng với những chất liệu pha trộn từ cả đá granite và bê tông.
Nhà ga gần Frederiksberg - khu vực trung tâm nhộn nhịp với nhiều sinh viên, người đi bộ, đi xe đạp, tập trung nhiều cửa hàng, hoạt động kinh doanh được thiết kế sao cho có thể trở thành một không gian vừa có chỗ nghỉ ngơi yên tĩnh nhưng vẫn có nơi để phục vụ các hoạt động sôi động nhộn nhịp.
Tính tổng trên toàn bộ tuyến tàu điện Cityringen, có 800 cây xanh và 150 ghế băng.
Thách thức trong xây dựng
Việc xây dựng các nhà ga nằm cách mặt đất 30 - 40m và len lỏi giữa những tòa nhà yếu ớt từ thời Trung cổ là thách thức không hề dễ dàng. Vì quỹ đất để xây dựng trong thành phố eo hẹp và vị trí nhạy cảm nên các nhà thiết kế phải khéo léo sáng tạo để vừa đủ diện tích vừa không làm ảnh hưởng tới các công trình cổ kính khác.
Đơn cử như nhà ga gần nhà thờ Marmorkirken cổ không được xây theo thiết kế tàu điện truyền thống với 2 đường ray chạy song song mà phải xây dựng theo cấu trúc nhà ga 2 tầng, trở thành một trong những nhà ga ngầm sâu nhất thế giới (gần 40m).
Để giảm thiểu rủi ro, COWI, đơn vị thực hiện dự án này cho biết, họ đã phải lắp đặt các cảm ứng trên tường của các tòa nhà xung quanh và giám sát bằng máy tính một cách kỹ lưỡng xung quanh khu vực xây dựng các nhà ga bên trong trung tâm thành phố.
“Chúng tôi đã phải xây dựng kế hoạch một cách cực kỳ cẩn trọng và nhận biết tất cả rủi ro có thể gây nứt và sụt lún đối với các tòa nhà trên mặt đất. COWI đã thiết lập một hệ thống giám sát và báo động ngay khi có dấu hiệu sụt lún.
Trong một số trường hợp, chúng tôi còn phải thiết lập một hệ thống ống bên dưới các công trình để nâng đỡ các tòa nhà khi cần thiết”, Giám đốc dự án cấp cao tại COWI, ông Torsten Molgaard cho biết.
Với khối lượng công việc khổng lồ và cực kỳ khó khăn đó, COWI đã phải huy động rất nhiều máy móc hạng nặng, máy khoan hầm (TBM) để thực hiện công việc dưới lòng đất. Những cỗ máy “cơ bắp” này dài tới 140m và nặng hơn 600 tấn, chỉ di chuyển 15 - 20m/ngày và được vận hành 24/7 bởi một đội ngũ từ 10 - 15 người.
Trước khi triển khai máy khoan hầm vào công trình, các nhà khảo cổ học cũng được huy động để rà soát lòng đất, từ đó phát hiện không ít cổ vật quý hiểm được giấu kín dưới lòng đất bao gồm những vật dụng thường ngày từ thời Viking, một con tàu đắm từ thế kỷ thứ 16 và nhiều cổng thành cũ có niên đại từ 1.000 năm trước.
Lượng bùn đất từ công trình ngầm này được vận chuyển tới Nordhavn cũng nằm trong Copenhagen để mở rộng đảo nhân tạo.