Dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội giải ngân hơn 7.000 tỷ, thi công đạt 41% thiết kế
Giá nhà đất dọc tuyến metro Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội đang biến động thế nào? | |
Tháng 9/2017 chạy thử tuyến Cát Linh - Hà Đông |
Mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trường Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hoàng Trung Hải vừa trực tiếp có buổi kiểm tra công tác thi công, tiến độ triển khai Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn – ga Hà Nội.
Đoàn đã kiểm tra công trường Nhà ga S8 (ga trên cao cuối cùng của tuyến, cạnh Trường Đại học Giao thông vận tải), Nhà ga S6 (cạnh Đại học Quốc gia Việt Nam) và dọc tuyến lên ga đầu tuyến Depot Nhổn (quận Bắc Từ Liêm).
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải kiểm tra tiến độ dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. (Ảnh: Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội) |
Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban Quản lý dự án Đường sắt Hà Nội cho biết, dự án đến nay đã hoàn thành đấu thầu và ký kết hợp đồng được 8/9 gói thầu, thi công tuyến trên cao đạt hơn 82%, nếu tính cả phần đi ngầm đạt khoảng 41% theo thiết kế dự án. Khối lượng giải ngân lũy kế đạt 7.156 tỷ đồng (trên tổng số 32.910 tỷ đồng). Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cơ bản đã xong toàn bộ phần 8,5 km đi trên cao, phần 4 km đi ngầm chưa hoàn thành, trong đó có nhiều vị trí khó khăn như ga Kim Mã (S9) còn 11/13 hộ dân, ga Cát Linh (S10) còn 8/23 hộ dân, ga Văn Miếu (S11) còn 37/61 hộ dân và 1/4 cơ quan, ga Trần Hương Đạo (S12) còn 43/46 hộ dân và 2/7 cơ quan…
Dự kiến, tiến độ phần nổi từ Nhổn đến ga S8 sẽ hoàn thành đưa vào khai thác vào cuối năm 2020, phần ngầm sẽ hoàn thành đưa vào khai thác năm 2022. Đoàn tàu đầu tiên về tới Hà Nội dự kiến vào tháng 6/2020.
Cũng theo ông Nguyễn Cao Minh, tiến độ dự án bị chậm là do về chủ quan, năng lực và kinh nghiệm quản lý thực hiện dự án của chủ đầu tư còn hạn chế, nhất là đối với dự án lớn và có công nghệ phức tạp. Công tác quản lý tư vấn Hợp đồng tư vấn Systra cũng còn nhiều bất cập, vướng mắc.
Ngoài ra, nguyên nhân khách quan còn do vướng mắc về công tác GPMB (đặc biệt là GPMB khu vực các ga ngầm); chậm bố trí vốn để thanh toán cho các nhà thầu thi công; khó khăn trong lựa chọn nhà thầu do những ràng buộc phức tạp trong quy chế đấu thầu của các nhà tài trợ; hệ thống quy chuẩn còn nhiều bất cập...
Thời gian qua, chủ đầu tư đã yêu cầu các nhà thầu, tư vấn rà soát lập lại chi tiết toàn bộ kế hoạch thi công; tập trung máy móc, tăng cường nhân lực thi công; phối hợp với các quận đẩy nhanh tiến độ GPMB; hoàn thành xin ý kiến nhà tài trợ để đấu thầu gói thầu số 9 (hệ thống vé) trong quý II/2018; báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 cho dự án, điều chỉnh danh mục tài trợ dự án...
Tại buổi làm việc, Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị TP Hà Nội kiến nghị với Đoàn công tác một số nội dung: chủ trương điều chỉnh tổng tiến độ dự án theo phương án khai thác trước đoạn trên cao từ Nhổn đến ga S8 (quận Cầu Giấy). Chính phủ sớm điều chỉnh các nội dung liên quan về vốn đầu tư và cho phép thành phố tạm ứng tiền ngân sách trong kế hoạch vốn năm 2018 để thanh toán cho nhà thầu thi công.
Các quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GPMB còn lại cho dự án, muộn nhất đối với ga S9, S10 là quý III/2018 và ga S11, S12 là quý IV/2018. Sở Xây dựng cho phép bàn giao nhà tái định cư song song với quá trình hoàn thiện thủ tục mua nhà theo quy định để thúc đẩy tiến độ GPMB.
Ban Quản lý cũng kiến nghị UBND thành phố tiếp tục được áp dụng hệ số thu nhập tăng thêm 2,7 lần cho cán bộ, công chức và cho phép Ban chủ động quyết định thuê chuyên gia, tư vấn trong các trường hợp cần giải quyết các vấn đề đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật sâu.