|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dự án đường bộ ven biển VN: 'Dứt khoát không được làm BOT trên các tuyến đường hiện hữu'

18:08 | 11/07/2018
Chia sẻ
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nói, dự án đường bộ ven biển đoạn nào tận dụng được đường cũ là phải tận dụng, muốn nâng cấp, mở rộng để đảm bảo quy mô phải đề xuất sử dụng NSNN. Còn lại, đầu tư bằng BOT chỉ áp dụng trên những đoạn tuyến làm mới hoàn toàn, dứt khoát không được làm BOT trên đường hiện hữu.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, sáng nay (ngày 11/7), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp về quy hoạch và tình hình thực hiện đầu tư tuyến đường bộ ven biển Việt Nam. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Nguyễn Nhật, đại diện lãnh đạo các Vụ: Kế hoạch đầu tư, Khoa học công nghệ; Kết cấu hạ tầng, Đối tác công tư; Văn phòng Bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông và Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT.

Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Duy Lâm đã báo cáo tình hình thực hiện đầu tư tuyến đường bộ ven biển Việt Nam.

du an duong bo ven bien vn dut khoat khong duoc lam bot tren cac tuyen duong hien huu
Dự án đường bộ ven biển VN: 'Dứt khoát không được làm BOT trên các tuyến đường hiện hữu'. Ảnh minh họa.

Theo đó, Quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ ven biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/1/2010 và được điều chỉnh cục bộ hướng tuyến ngày 31/12/2015. Tuyến đường bộ ven biển hình thành trên cơ sở tận dụng các tuyến đường hiện có, kết hợp đầu tư xây dựng mới (không phải trục dọc quốc gia), chưa liên tục tại các cửa sông lớn và quy mô không đồng nhất trên toàn tuyến.

Tuyến bắt đầu từ Quảng Ninh tới Kiên Giang, đi qua địa phận 28 tỉnh, trong đó phía Bắc là 5 tỉnh, miền Trung là 14 tỉnh và khu vực phía Nam là 9 tỉnh. Tổng chiều dài khoảng 3.041km. Vùng ven biển miền Bắc (từ Quảng Ninh tới Ninh Bình), Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa tới Quảng Trị), miền Trung (từ Thừa Thiên Huế tới Bình Định) quy mô đường cấp III. Vùng Nam Trung Bộ (từ Phú Yên tới Bình Thuận), Đông Nam Bộ (từ Vũng tàu tới TP Hồ Chí Minh), vùng Tây Nam Bộ (từ Tiền Giang tới Kiên Giang) quy mô đường cấp IV.

Ông Nguyễn Duy Lâm cho biết, hiện tại, phần do Bộ GTVT đầu tư theo phân công nhiệm vụ đã hoàn thành khoảng 80,73% khối lượng yêu cầu, còn lại đã và đang chuẩn bị thi công. So với kế hoạch cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu. Các dự án hoàn thành chủ yếu là các tuyến đi trùng quốc lộ, cao tốc do Bộ GTVT đầu tư.

Phần do các địa phương đến nay đã đầu tư phù hợp với quy hoạch khoảng 33%. Tiến độ triển khai các đoạn tuyến đường ven biển theo quy hoạch còn chậm, chưa đáp ứng được mục tiêu thông tuyến đường ven biển trước năm 2020 như quy hoạch được duyệt.

Theo Vụ trưởng Nguyễn Duy Lâm, trong quá trình triển khai đường ven biển, Bộ GTVT chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch và đầu tư quốc lộ đi trùng tuyến đường ven biển. Hiện nay các đoạn tuyến ven biển đang được các địa phương triển khai lập, thẩm định chủ trương đầu tư, Bộ GTVT có trách nhiệm tham gia ý kiến về sự phù hợp của dự án với quy hoạch, quy mô, phương án đầu tư và thẩm định báo cáo NCTKT đối với các dự án nhóm A. Đối với hệ thống quốc lộ, cao tốc đi trùng đường ven biển chưa được đầu tư, Bộ GTVT sẽ phối hợp với UBND các tỉnh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư. Đối với hệ thống đường địa phương thuộc hệ thống đường ven biển, các địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện, lập danh mục các đoạn tuyến cần ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn vốn hợp pháp để chủ động đầu tư. Ngoài ra, các địa phương cần chủ động lồng ghép các dự án đường ven biển vào các chương trình, dự án có liên quan.

Trong quá trình đầu tư, các địa phương có liên quan cần có thỏa thuận thống nhất về thời điểm đầu tư, điểm đấu nối giữa các dự án, quy mô đầu tư để đảm bảo khai thác đồng bộ toàn tuyến ven biển, đảm bảo phát huy hiệu quả đầu tư.

Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: “Về mặt pháp lý, tuyến đường ven biển hoàn toàn phù hợp với các quy hoạch được duyệt. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai do một số chủ trương, chính sách thay đổi như Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 21/10/2017 quy định không làm BOT trên các tuyến đường hiện hữu.

Một số địa phương cũng thay đổi chính sách, trước kia đề xuất làm một tuyến đường cao tốc và một tuyến đường ven biển qua địa bàn nhưng nay điều chỉnh lại chỉ làm một tuyến đường chung. Do đó, chúng ta cũng cần phải điều chỉnh, không cứng nhắc”.

Dẫn quy định Nghị quyết 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc không làm BOT trên đường hiện hữu, Bộ trưởng Thể yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai phải đặc biệt lưu ý: “Đoạn nào tận dụng được đường cũ là phải tận dụng, muốn nâng cấp, mở rộng để đảm bảo quy mô phải đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước. Còn lại, đầu tư bằng BOT chỉ áp dụng trên những đoạn tuyến làm mới hoàn toàn, dứt khoát không được làm BOT trên đường hiện hữu”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trong việc cập nhật lại quy hoạch đường ven biển theo định kỳ 2 năm một lần, đảm bảo đầu tư xây dựng đường ven biển sát với thực tế, có điều chỉnh lại theo nhu cầu của từng địa phương.

Bộ trưởng yêu cầu Vụ Kế hoạch đầu tư, Đối tác công tư cần bám sát quy hoạch đường ven biển, tham gia góp ý với địa phương, giám sát chặt chẽ hướng tuyến khi cần điều chỉnh cần báo cáo, xin ý kiến Thứ trưởng phụ trách. Bộ trưởng cũng đề nghị hai Vụ trên cần phối hợp với địa phương, tùy tình hình thực tế đề xuất các dự án xây dựng mới, dự án cải tạo, mở rộng… để có hướng đầu tư phù hợp.

"Yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông và Tổng cục Đường bộ phối hợp với địa phương quản lý, giám sát tốt chất lượng các dự án đầu tư xây dựng đường ven biển", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ.

Khánh Hà