|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dự án BOT cầu Phú Mỹ: Sai phạm hàng loạt từ khâu chỉ định thầu tới quá trình thực hiện

07:49 | 22/08/2017
Chia sẻ
Dự án xây dựng cầu Phú Mỹ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng hơn 2.078 tỷ đồng. Dự án vướng hàng loạt sai phạm trong quá trình chuẩn bị và thực hiện đầu tư.
du an bot cau phu my sai pham hang loat tu khau chi dinh thau toi qua trinh thuc hien
Dự án BOT xây dựng cầu Phú Mỹ có tổng mức đầu tư hơn 2.078 tỷ đồng. (Ảnh: TWGroup)

Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc chấp hành quy định của pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT ở lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn TP HCM bao gồm 6 dự án trong danh sách thanh tra. Đó là các dự án xây dựng cầu Phú Mỹ; đường kết nối cầu Phú Mỹ; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc; xa lộ Hà Nội; cầu Bình Triệu 2; đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu.

Trong đó, dự án xây dựng cầu Phú Mỹ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng hơn 2.078 tỷ đồng (nguồn vốn chủ sở hữu là 23,6%; vốn vay ngân hàng nước ngoài và ngân hàng trong nước là 76,4%). Dự án được đầu tư theo quy mô công trình giao thông cấp 1, mô hình cầu dây văng với chiều dài cầu chính là 2.034m, chiều rộng 27,5m. Thời gian xây dựng từ tháng 2/2007 - 8/2009, thời gian thu phí hoàn vốn là 26 năm.

Kết quả thanh tra cho thấy, UBND TP HCM không kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ công bố danh mục dự án xây dựng cầu Phú Mỹ để kêu gọi đầu tư (đến ngày 1/4/2011 UBND TP mới công bố danh mục đầu tư).

Dự án đã tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư là liên doanh gồm 5 đơn vị: Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty đầu tư và phát triển Xây dựng, Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP HCM, Công ty cổ phần Bêtông 620 Châu Thới, Công ty TNHH và Thương mại Thanh Danh.

Qua thanh tra cho thấy, các nhà đầu tư gửi hồ sơ chuẩn bị đầu tư còn thiếu một số nội dung như phương án huy động vốn, chưa đủ giấy tờ cam kết của ngân hàng hoặc nhà cấp vốn khác để thực hiện dự án; còn cơ quan có thẩm quyền thì thiếu trách nhiệm khi xem xét về khả năng huy động vốn...

Dự án khả thi đã được UBND TP lập, thẩm định và phê duyệt nhưng việc này được thực hiện khi nội dung của dự án còn thiếu những căn cứ để xác định sự cần thiết phải đầu tư, không xây dựng các phương án so sánh để lựa chọn phương án tối ưu. Khi phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư thì UBND TP phải lập hồ sơ và báo cáo thẩm định dự án điều chỉnh nhưng thành phố không hề làm việc này mà vẫn điều chỉnh dự án 2 lần, điều chỉnh tổng mức đầu tư 1 lần từ 1.807 tỷ đồng lên 2.078 tỷ đồng.

Theo quy định khi ký kết hợp đồng BOT, nhà đầu tư phải có phương án huy động và giấy tờ cam kết của ngân hàng hoặc nhà cấp vốn khác để thực hiện dự án. Tuy nhiên, theo hợp đồng tại dự án này, trong phương án huy động vốn, phần vay vốn nước ngoài do Ngân hàng Societe Generale, Ngân hàng Calyon (Cộng hòa Pháp) cam kết cho vay trong khoảng thời gian trả gốc là 10 năm và 3 năm ân hạn trong thời gian xây dựng, không có ngân hàng hoặc nhà cấp vốn cho vay phù hợp với phương án tài chính.

Về tiến độ dự án, theo hợp đồng, thời điểm khởi công xây dựng công trình là tháng 12/2005 nhưng đến tháng 2/2007 mới khởi công xây dựng; điểm nghiệm thu hoàn thành công trình là tháng 9/2008 nhưng đến tháng 8/2009 mới nghiệm thu; thời điểm bắt đầu thu phí hoàn vốn là tháng 1/2009 nhưng đến tháng 4/2010 mới bắt đầu. TTCP cho rằng trách nhiệm thuộc về Bộ Giao thông vận tải và UBND TP (do chậm khởi công công trình nên nhà thầu thi công đã phạt nhà đầu tư hơn 60.158 triệu đồng).

Dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 8/2009 nhưng đến ngày 12/11/2012, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ mới có văn bản phê duyệt chi phí đầu tư xây dựng dự án và đến ngày 18/2/2014 UBND TP mới có văn bản phê duyệt kết quả kiểm toán chi phí đầu tư dự án này, giá trị chi phí đầu tư được duyệt là 2.914 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện UBND TP HCM không chấp hành đúng về trình tự và thủ tục đầu tư, chưa được thẩm định và phê duyệt điều chỉnh dự án nhưng đã phê duyệt kết quả kiểm toán chi phí đầu tư. Cũng theo quy định, trong vòng 6 tháng từ khi hoàn thành công trình thì nhà đầu tư phải lập hồ sơ quyết toán dự án, tuy nhiên dự án đưa vào sử dụng từ tháng 8/2009 nhưng đến tháng 9/2012 mới xong hồ sơ quyết toán và thuê kiểm toán chi phí đầu tư của dự án.

Theo hợp đồng, chi phí duy tu, bảo dưỡng được khoán trọn gói là 9,83%, trong giai đoạn từ năm 2010 - 2014, chi phí này đã thực hiện là 26.142 triệu đồng/48.699 triệu đồng. Theo quy định, nhà đầu tư phải gửi hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tuy nhiên Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ không căn cứ vào quy mô công trình để lập quy trình bảo trì, gửi tới cơ quan có thẩm quyền ký kết.

du an bot cau phu my sai pham hang loat tu khau chi dinh thau toi qua trinh thuc hien TTCP vạch rõ sai phạm hơn 2.100 tỷ đồng tại 6 dự án BOT, BT ở TP HCM

TTCP phát hiện sai phạm hơn 2.100 tỷ đồng tại 6 dự án BOT, BT tại TP HCM, bao gồm: cầu Phú Mỹ; đường kết ...

du an bot cau phu my sai pham hang loat tu khau chi dinh thau toi qua trinh thuc hien Loạt sai phạm tại Dự án BOT Hòa Lạc – Hòa Bình và thiếu sót của Tổng công ty 36

TTCP chỉ rõ loạt bất cập, sai phạm tại dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đoạn ...

du an bot cau phu my sai pham hang loat tu khau chi dinh thau toi qua trinh thuc hien Cần giải trình trước Quốc hội về dự án BOT

“Bộ GTVT, địa phương cần phải vào cuộc, thẳng thắn chỉ ra những sai sót để trả lời công luận và nhận thiếu sót, khuyết ...

Linh Lê