Dragon Capital: P/B của VN-Index thấp chưa từng thấy kể từ COVID-19
Sự mạnh lên của USD tạo áp lực khiến cho dòng vốn đầu tư rút ròng khỏi châu Á
Báo cáo thị trường tháng 10 của Dragon Capital, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi trong tháng 10 với điểm sáng là hoạt động thương mại. Xuất khẩu đạt 32,3 tỷ USD và nhập khẩu đạt 29,3 tỷ USD, tương ứng với mức tăng 5,3% và 2,9% so với cùng kỳ.
Mặc dù các ngân hàng trung ương trong khu vực như Thái Lan, Philippines và Indonesia bắt đầu tăng lãi suất trở lại, báo cáo dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách ổn định mà không thay đổi lãi suất cơ bản. Hiện tại, tình hình lạm phát không đặt ra nhiều lo ngại, chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Dragon Capital tiếp tục giữ quan điểm về việc VND duy trì sự ổn định cơ bản và Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở đảm bảo tỷ giá và lãi suất ổn định và cân đối.
Tuy nhiên, lãi suất USD cao, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động hơn trong việc quản trị dòng tiền, cơ cấu nợ, và tối ưu trong việccân bằng giữa nguồn vốn huy động trong nước và quốc tế.
Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cho năm 2024 là một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. Trong đó mục tiêu về tăng trưởng GDP năm 2024 được đặt ở mức 6 - 6,5%, tương đương với GDP bình quân đầu người ước đạt 4.700 - 4.730 USD. Các chỉ tiêu khác đáng chú ý bao gồm kiểm soát thâm hụt ngân sách Nhà nước dưới 4% GDP, lạm phát trung bình ở mức 4 - 4,5% và tăng trưởng tín dụng đạt trên 15%.
VN-Index đã rơi vào vùng quá bán
Đối với thị trường chứng khoán, VN-Index đã trải qua tháng 10 khó khăn với mức giảm 11% so với tháng trước. Đồng pha với diễn biến của các thị trường trong khu vực, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 7.190 tỷ đồng.
Ngày 26/10, một lượng lớn lệnh bán cổ phiếu Vinhomes (Mã CK: VHM) ra thị trường trước thông tin Vingroup (Mã CK: VIC) phát hành trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 5 năm, có thể chuyển đổi sang cổ phiếu VHM với tổng giá trị 250 triệu USD. Nhiều khả năng đây là một phần của chiến lược phòng ngừa rủi ro của một số nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào gói trái phiếu này. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có thanh khoản thấp và tâm lý chung không vững, hoạt động này đã gây ra một đợt bán tháo mạnh, khiến chỉ số giảm từ 1.155 xuống còn 1.028 điểm vào cuối tháng.
80 doanh nghiệp trong danh mục theo dõi của Dragon Capital đều đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III với mức tăng trưởng lợi nhuận 0,5% so với năm trước và giảm 7% so với quý II/2023. Việc đồng nội tệ giảm 4,4% kể từ tháng 6 năm nay đã khiến lợi nhuận sau thuế bị ảnh hưởng bởi dự phòng lỗ tỷ giá ở một số cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn có vay nợ bằng USD. Điều này cho thấy mặc dù thị trường có thể đã qua được vùng đáy nhưng triển vọng phục hồi vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Ngành ngân hàng tiếp tục đóng góp đáng kể vào tổng lợi nhuận của thị trường, tuy nhiên cũng bị ảnh hưởng bởi việc các ngân hàng quốc doanh đóng vai trò tiên phong trong việc hỗ trợ giảm lãi suất cho vay về 6 - 7%/năm. Các ngành đem lại kết quả kinh doanh khả quan có thể kể đến như công nghệ thông tin, năng lượng, kim loại và công nghiệp. Trong khi nhóm ngành tiêu dùng, tập đoàn đa ngành, hóa chất và tiện ích có lợi nhuận giảm so với quý II. Lợi nhuận của nhóm bất động sản tương ứng với kỳ vọng, đóng góp 12% tổng lợi nhuận.
P/B của VN-Index trở về khoảng 1,5 lần, mức chưa từng thấy kể từ giai đoạn COVID-19. Với việc Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, Dragon Capital tin rằng VN-Index hiện tại ở vùng quá bán, bằng chứng là việc khối ngoại đã chuyển từ bán ròng sang mua ròng 15,9 triệu USD kể từ ngày 30/9 đến 7/11 khi họ cho rằng đây là thời điểm tốt để tái đầu tư.
Tại Diễn đàn Đầu tư 2024 do VietnamBiz phối hợp CFO Việt Nam tổ chức , ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital nhận định Việt Nam là quốc gia có nhiều yếu tố thuận lợi, từ kinh tế, dân số, địa chính trị. Việt Nam có dân số hơn 100 triệu người, tốc độ tăng trưởng rất tốt trong khi nhiều quốc gia châu Á khác hầu hết đang có dân số già. Yếu tố vị trí địa chính trị, địa lý về kinh tế, không có nước nào có kênh đối thoại cùng lúc với các nước lớn gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ như Việt Nam.
“Tôi cho rằng, vốn quốc tế đầu tư vào Việt Nam hiện vẫn rất nhỏ. Tại hội nghị của 50 quỹ hưu trí Mỹ tôi vừa tham dự mới chỉ có 3 quỹ đầu tư vào Việt Nam. Lý do là, thứ nhất họ còn thận trọng và thứ hai là tổng vốn của các quỹ này rất lớn lên đến 500 tỷ USD nên phải phân bổ tại nhiều quốc gia. Với những yếu tố trên, các NĐT ngoại không chỉ quan tâm, tìm hiểu mà là phải đầu tư vào Việt Nam”, ông Dominic Scriven nhận định.