Dow Jones và S&P 500 tăng mạnh, chứng khoán Mỹ có kỉ lục mới
Theo CNBC, chỉ số S&P 500 đóng cửa tăng 1,4% lên đỉnh mới 3.585 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 400 điểm, tương đương 1,4%, và kết phiên ở 29.480 điểm.
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 1% lên 11.829 điểm. Chỉ số cổ phiếu vốn hoá nhỏ Russell 2000 vọt lên hơn 2% và lần đầu tiên lập đỉnh lịch sử kể từ tháng 8/2018.
Cổ phiếu hãng du thuyền Carnival tăng hơn 7%, hãng hàng không United Airlines và hãng chế tạo tàu bay Boeing đều thêm hơn 5%. Tập đoàn giải trí Disney tăng 2,1% sau khi công bố kết quả kinh doanh tốt hơn dự kiến.
Nhìn chung, nhóm cổ phiếu năng lượng và công nghiệp của chỉ số S&P 500 tăng lần lượt 3,8% và 2,2% trong phiên 13/11. Nhóm tài chính cũng thêm hơn 1%. Đây đều là các nhóm doanh nghiệp sẽ hưởng lợi lớn nếu có vắc xin COVID-19 và nền kinh tế hồi phục trở lại.
Đầu tuần này hôm 9/11, hãng dược Pfizer của Mỹ thông báo loại vắc xin COVID-19 mà công ty này phát triển cùng BioNTech của Đức đạt hiệu quả phòng bệnh hơn 90% trong thử nghiệm giai đoạn 3. Ngay lập tức sau đó thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến khởi sắc, nhà đầu tư rút tiền khỏi những cổ phiếu công nghệ từng tăng mạnh trong đại dịch để chuyển sang các cổ phiếu giá trị, thuận chu kì kinh tế.
Tính chung cả tuần qua, Dow Jones tăng 4,1%, S&P 500 thêm 2,2%, riêng chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 0,6%. Đây là tuần giảm điểm thứ 3 trong 4 tuần gần đây của Nasdaq.
CNBC dẫn lời ông Marko Kolanovic - Giám đốc chiến lược phái sinh và vĩ mô định lượng tại JPMorgan Chase nhận định: "Theo quan điểm của chúng tôi, thông tin tích cực về vắc xin trong tuần này đã thay đổi hoàn toàn cục diện. Thông tin này cho phép thị trường nhìn vượt xa đợt bùng phát COVID-19 hiện nay và bắt đầu kì vọng vào sự chấm dứt của đại dịch cũng như sự hồi phục của nền kinh tế".
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, riêng trong ngày 12/11 Mỹ đã ghi nhận tới 153.500 ca dương tính với COVID-19, phá kỉ lục hai ngày liền trước đó là 143.000 ca và 140.000 ca. Liên tục trong 10 ngày gần đây, Mỹ đều báo cáo trên 100.000 ca nhiễm mỗi ngày. Nhiều khu vực tại Mỹ, bao gồm bang New York, đã tái áp dụng các biện pháp phong toả và giãn cách xã hội.
Hôm 12/11, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều rủi ro phía trước, bất chấp tin tức tích cực về vắc xin.
"Theo quan điểm của chúng tôi, hiện còn quá sớm để tự tin đánh giá những hàm ý của tin tức về vắc xin đối với triển vọng kinh tế, đặc biệt là trong tương lai gần. Giữa bối cảnh virus tiếp tục lan rộng, những tháng tới có thể sẽ rất nhiều thách thức", CNBC dẫn lời ông Powell phát biểu.