Ông Trump vẫn có thể khuấy đảo chứng khoán Mỹ trong những ngày cuối ở Nhà Trắng
Dù ông Trump sẽ mất hầu hết ảnh hưởng tới giới tài chính vào ngày 20/1/2021, ông vẫn thừa sức làm náo loạn thị trường với 10 tuần còn lại.
Sau khi chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden được xác nhận, ông Trump sẽ chính thức bước vào giai đoạn cuối cùng của nhiệm kì. Nhưng trong khoảng thời gian này, năng lực gây gián đoạn của ông vẫn rất đáng gờm.
Theo Bloomberg, bất kì quyết định nào của ông Trump cũng có thể khiến nhà đầu tư lo sốt vó. Vài hôm trước, ông đã đuổi việc bộ trưởng quốc phòng và đưa người khác lên đứng đầu Lầu Năm Góc.
Tranh cãi với Trung Quốc về loạt vấn đề như thương mại, công nghệ, nhân quyền, cãi cọ về thương mại với châu Âu và hạn chót về đạo luật ngân sách chính phủ vào tháng 12 đều là những rắc rối tiềm năng có thể xoay chuyển thị trường.
Quốc hội Mỹ sẽ vẫn giữ nguyên trong năm nay. Hôm trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố chính quyền ông Trump "chưa để yên" cho Trung Quốc.
Bà Gabrielle Debinski, chuyên viên thuộc tập đoàn tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group viết: "Một tổng thống sắp mãn nhiệm và đầy phẫn uất như ông Trump có thể sẽ không sẵn lòng hợp tác với Quốc hội, dẫn đến tình trạng chính phủ ngừng hoạt động. Nền kinh tế ốm yếu vì đại dịch của Mỹ sẽ lại càng yếu ớt. Quãng thời gian tại vị cuối cùng của ông Trump có thể sẽ hỗn loạn hơn bao giờ hết".
Nhà đầu tư có thể nhìn lại tháng 10 để xem các hành động đơn phương của ông Trump có thể rung chuyển thị trường đến mức nào. Chứng khoán Mỹ cắm đầu lao dốc và trái phiếu Kho bạc bật tăng sau khi ông Trump đăng tweet rằng ông đã quyết định ngừng mọi cuộc đàm phán về gói kích thích.
Giá các hợp đồng tương lai trên chỉ số VIX báo hiệu nhà đầu tư đang chuẩn bị cho sự hỗn loạn gia tăng từ tháng 12 đến tháng 1.
Thương mại với Trung Quốc
Thương mại với Trung Quốc rõ ràng là khu vực dễ bị tổn thương nhất đối với thị trường toàn cầu, chưa kể đến việc ông Trump đổ lỗi về thất bại của mình lên COVID-19.
Hồi năm 2018, nhà đầu tư châu Á gần như luôn đứng ngồi không yên trước những tuyên bố của ông Trump về thương mại. Ông Trump có thể tự tăng giảm thuế quan lên nhiều loại hàng hóa và dịch vụ mà không cần thông qua Quốc hội.
Việc hủy niêm yết doanh nghiệp Trung Quốc trên sàn chứng khoán Mỹ là một nước đi khác ông Trump có thể dùng để nhắm vào Bắc Kinh. Tuần này, Mỹ đã trừng phạt thêm 4 quan chức Trung Quốc với cáo buộc làm suy yếu quyền tự trị của Hong Kong.
Trong khi đó, việc Liên minh châu Âu (EU) áp thuế lên 4 tỉ USD hàng hóa Mỹ bắt đầu từ 10/11 là sự leo thang của tranh chấp giữa hai bên về các khoản viện trợ cho Boeing và Airbus. Quyết định của EU có thể sẽ thúc đẩy Mỹ ra đòn trả đũa, ảnh hưởng đến các thị trường trong khu vực.
Đầm lầy bí mật
Các động thái chính trị và lệnh ân xá là đặc điểm truyền thống trong giai đoạn các tổng thống thất cử vẫn còn ngồi trong Nhà Trắng. Nhìn bề ngoài, chúng thường không có mấy tác động đến thị trường.
Nhưng ông Mark Tinker, nhà sáng lập Market Thinking đặt ra khả năng nỗ lực trả thù những nhân vật trong chính trường Mỹ của ông Trump có thể dẫn tới một vài sự gián đoạn.
Ông Tinker viết: "Trong giai đoạn từ nay đến 20/1, ông Trump do không còn gì để mất có thể giải mật một lượng lớn tài liệu liên quan đến những hoạt động mà ông gọi là "đầm lầy" của Washington. Chưa chắc thị trường đã sẵn sàng cho nước đi này".
Ông Trump vẫn đang tuyên bố rằng cuối cùng ông sẽ chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng một số chuyên gia dự đoán ông sẽ rời khỏi vị trí mà không gây ra náo loạn.
"Tôi cho rằng khi đến lúc, Donald Trump sẽ rời Nhà Trắng một cách yên bình," ông Ed Yardeni, người sáng lập Yardeni Research viết trong lưu ý gửi khách hàng.