|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu công nghệ Mỹ và Trung Quốc bị bán tháo vì những lí do hoàn toàn khác biệt

16:05 | 11/11/2020
Chia sẻ
Nhà đầu tư Mỹ rút tiền khỏi cổ phiếu công nghệ sau khi có thông tin tích cực về vắc xin COVID-19. Tại Trung Quốc, việc chính phủ siết chặt các qui định chống độc quyền khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn.
Cổ phiếu công nghệ Mỹ và Trung Quốc đồng loạt bán tháo - Ảnh 1.

Nhà đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán New York. (Ảnh: Getty Images)

Kết phiên giao dịch 10/11, chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,4% trong bối cảnh nhà đầu tư hướng về những cổ phiếu được hưởng lợi trong quá trình mở cửa nền kinh tế. Đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ có thể là khởi đầu của một xu hướng lâu dài trên thị trường chứng khoán.

Theo CNBC, chỉ số Nasdaq và những cổ phiếu từng là động lực của thị trường chứng khoán Mỹ trong thời gian qua đã phải chịu áp lực trong hai phiên giao dịch gần đây nhất. Nhà đầu tư dần rũ bỏ những cái tên như Amazon, Zoom và Facebook và mua vào các cổ phiếu ngân hàng, công nghiệp, năng lượng và vật liệu.

Giám đốc đầu tư Peter Boockvar của Bleakley Advisory Group nhận xét: "Thị trường chứng khoán Mỹ hiện giờ được chia tách làm hai. Một là cổ phiếu công nghệ và một là tất cả các mã khác. Tất cả các mã khác đều đang có khoảng thời gian tuyệt vời".

"Nhóm công nghệ và các cổ phiếu được hưởng lợi từ xu hướng làm việc từ xa rơi vào cảnh hoàn toàn trái ngược sau tin về vắc xin COVID-19 của Pfizer. Zoom sẽ không còn phổ biến như trước nếu mọi người quay trở lại văn phòng. Tôi nghĩ khả năng này là có thật và đây có thể là cái kết cho sự thống trị của cổ phiếu tăng trưởng trong chu kì này".

Cổ phiếu công nghệ Mỹ và Trung Quốc đồng loạt bán tháo - Ảnh 2.

Cổ phiếu công nghệ đi xuống trong khi hàng không, dầu khí, ngân hàng, công nghiệp đi lên.

Hôm 9/11, Pfizer thông báo vắc xin của hãng này có hiệu quả phòng COVID-19 tới 90% và có thể được phân phối rộng rãi trong năm sau. Việc có vắc xin COVID-19 sẽ giúp nền kinh tế quay trở lại bình thường, mọi người có thể tụ tập đông đúc, mua sắm du lịch, đến văn phòng và trường học.

Giám đốc đầu tư Ed Keon của QMA nhận xét: "Khó có thể nói chắc, nhưng tôi nghĩ rằng thị trường đang bắt đầu khởi động lại, tuy vẫn có khả năng các cổ phiếu thống trị thị trường trong thời gian trước được yêu thích trở lại".

"Tôi nghĩ thị trường đang trở nên cân bằng hơn. Nếu mọi chuyện suôn sẻ và vắc xin được phân phối, các cổ phiếu chịu cú đánh nặng nề từ đại dịch sẽ quay trở về mức giá thông thường. Ngược lại, giá những cổ phiếu tăng cao trong đại dịch sẽ rớt xuống đất".

Ông Scott Redler, đối tác của T3Live.com nói rằng khó để biết các cổ phiếu công nghệ sẽ bị bán tháo mạnh đến mức nào.

UBS Global Wealth Management khuyến nghị khách hàng đa dạng hóa danh mục đầu tư, mua cổ phiếu theo chu kì và bán bớt cổ phiếu công nghệ.

Trung Quốc

Nhóm cổ phiếu công nghệ tại Trung Quốc cũng vừa trải qua hai ngày sụt giảm liên tục sau khi Bắc Kinh ban hành qui định để giảm bớt sức ảnh hưởng của những công ty Internet hàng đầu.

Các gã khổng lồ công nghệ như Alibaba và Tencent mất tới gần 260 tỉ USD vốn hóa trong hai ngày thị trường bán tháo. Tính đến giữa phiên giao dịch ngày 11/11, có lúc Chỉ số Công nghệ Hang Seng ở Hong Kong đã sụt tới 5,6%; tương ứng mức lao dốc 10% trong hai ngày.

Hôm 10/11, Bắc Kinh công bố các qui định nhằm loại bỏ hành vi độc quyền trong ngành Internet, giáng đòn mạnh vào các doanh nghiệp nằm trong trung tâm của nền kinh tế nước này.

Tuần trước, các hạn chế mới trong ngành tài chính đã chặn đứng đợt phát hành lần đầu ra công chúng trị giá 35 tỉ USD của Ant Group, nhấn chìm tham vọng thống trị ngành tài chính trực tuyến của tỉ phú Jack Ma.

Chính phủ Trung Quốc ngày càng cắt giảm tầm ảnh hưởng của các doanh nghiệp tư nhân vốn đã trở thành động lực chính của kinh tế nước này. Trước đây, những gã khổng lồ như Alibaba và Tencent được tự do mua lại và đầu tư vào các doanh nghiệp khác, mở rộng thành các đế chế trải dài trên nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, tài chính trực tuyến, mạng xã hội và giải trí.

Ông John Dong, luật sư chứng khoán tại Joint-Win Partners cho biết: "Tôi thực sự đã há hốc mồm lúc đọc những qui định này. Thời điểm của chúng – ngay trước Ngày Độc thân 11/11 – cũng như sức mạnh và sự quyết tâm nhằm cải tổ lại các gã khổng lồ công nghệ thật đáng kinh ngạc".

Cổ phiếu công nghệ Mỹ và Trung Quốc bị bán tháo vì những lí do hoàn toàn khác biệt - Ảnh 3.

Bà Shen Meng, Giám đốc ngân hàng đầu tư Chanson nhận xét: "Các công ty công nghệ lớn đã mở rộng phạm vi hoạt động của họ sang nhiều lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế và điều đó thực sự khiến các nhà quản lí phải lo lắng".

"Động thái này có thể làm nản lòng các công ty công nghệ muốn niêm yết trong thời gian gần. Những công ty bị ảnh hưởng bởi qui định mới sẽ phải điều chỉnh lại hoạt động của họ".

Ngày 3/11, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã gây chấn động thế giới đầu tư khi đình chỉ đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group, một công ty fintech do Jack Ma kiểm soát. Quyết định này được đưa ra chỉ hai ngày trước buổi niêm yết của Ant Group, Bloomberg cho biết.

Đến tuần này, Bắc Kinh tiếp tục công bố loạt qui định nhắm vào ngành công nghệ. Các nhà phân tích của JPMorgan nhận xét các qui định mới báo hiệu "sự thặt chắt hơn nữa" đối với ngành kinh tế trực tuyến.

Các qui định đề xuất được đưa ra vào thời điểm tồi tệ đối với cổ phiếu công nghệ. Nhóm này vốn đang chịu áp lực từ xu hướng chuyển dịch toàn cầu đã khiến chỉ số Nasdaq giảm gần 3% trong tuần.