Dow Jones hồi phục gần 500 điểm, chứng khoán Mỹ vẫn có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3
Theo CNBC, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 477 điểm, tương đương 1,9%, và đóng cửa ở 25.606 điểm. Giữa phiên 12/6, có lúc chỉ số gồm 30 bluechip này tăng tới hơn 800 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đóng cửa tăng lần lượt 1,3% và 1%.
Tính chung cả tuần, Dow Jones và S&P 500 mất lần lượt 5,5% và 4,7%; Nasdaq sụt 2,3%. Đây là tuần tiêu cực nhất với cả ba chỉ số này tính từ ngày 20/3.
Cổ phiếu của những doanh nghiệp hưởng lợi từ quá trình mở cửa nền kinh tế đều đi lên trong phiên 12/6. Hãng hàng không Delta Airlines tăng 11,8%, hãng du thuyền Carnival thêm 14,5%.
Đây cũng là những cổ phiếu bị bán tháo mạnh nhất trong phiên 11/6 trước đó do nhà đầu tư lo quá trình nối lại hoạt động nền kinh tế gặp trở ngại vì dịch COVID-19 tái bùng phát.
CNBC dẫn lời ông Andrew Slimmon – Chuyên gia tại công ty đầu tư Morgan Stanley Investment Management nhận định: "Nhìn vào đợt tăng nóng thời gian qua, tôi nghĩ thị trường sẽ không chỉ giảm một phiên là xong đâu".
Chỉ số Biến động Cboe có lúc giao dịch trên 43 điểm – mức cao nhất kể từ tháng 4, rồi sau đó giảm xuống còn dưới 36 điểm khi kết phiên. Chỉ số này cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ sẽ còn nhiều biến động phía trước.
Phiên 11/6, Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite lao dốc lần lượt 6,9%, 5,9% và 5,3% - đều là mức giảm mạnh nhất của các chỉ số này kể ừ giữa tháng 3 đến nay.
Thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến tiêu cực sau khi số liệu do Đại học Johns Hopkins cho thấy số ca nhiễm mới COVID-19 tăng nhanh ở các bang đang tái khởi động kinh tế như Arizona, South Carolina và Texas. Tổng số ca nhiễm của Arizona hiện nay cao gần gấp đôi so với ngày 25/5.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tuyên bố nước Mỹ sẽ không đóng cửa nền kinh tế thêm lần nữa vì các thiệt hại của biện pháp này là quá lớn.
Đến nay Mỹ đã ghi nhận 2,04 triệu ca dương tính với COVID-19 và 114.400 ca tử vong, cao nhất thế giới theo cả hai tiêu chí.
Các chỉ số S&P 500 và Dow Jones vẫn cao hơn 37% so với đáy ngày 23/3 khi đợt bán tháo vì lo ngại COVID-19 diễn biến tồi tệ nhất. Đa phần mức tăng này đến từ những cổ phiếu được cho là sẽ hưởng lợi từ quá trình hồi phục kinh tế như hàng không, du thuyền và bán lẻ.
Ông JJ Kinahan - Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty chứng khoán TD Ameritrade nhận xét: "Một số cổ phiếu đã tăng quá nóng, không tương xứng với yếu tố cơ bản. Chẳng hạn một vài cổ phiếu hàng không được định giá ngang với lúc chưa có dịch mặc dù năng lực hoạt động mới chỉ hồi phục được khoảng 60%, thật là vô lí".
Trong tuần này, có lúc chỉ số S&P 500 cắt xuống dưới đường trung bình trượt 200 ngày (MA 200) nhưng sau đó đã tìm được đường quay lại lên trên.
"Khi S&P 500 cắt lên trên đường MA 200 vào tháng trước, đây như là một tín hiệu đèn xanh cho phép nhà đầu tư mua cổ phiếu vì nền kinh tế đã ổn thỏa rồi", ông Mitchell Goldberg - CEO của công ty tư vấn ClientFirst Strategy nhận xét.
"Việc S&P 500 vọt lên trên đường trung bình dài hạn cũng cho thấy các nhà quản lí quĩ mải mê ôm tiền đang bị thị trường bỏ lại phía sau rất xa và giờ đây phải cố bắt kịp đà tăng".