|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dow Jones đảo chiều giảm hơn 900 điểm, đánh dấu tuần tệ hại nhất của chứng khoán Mỹ kể từ 2008

07:02 | 21/03/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 20/3 đầu phiên khởi sắc nhưng rồi quay đầu giảm sâu khi nhà đầu tư thêm lo sợ thiệt hại kinh tế từ đại dịch COVID-19 tại Mỹ. Các tuyên bố kích thích kinh tế dường như chưa đủ để làm yên lòng thị trường.
Dow Jones đảo chiều giảm hơn 900 điểm, đánh dấu tuần tệ hại nhất của chứng khoán Mỹ kể từ 2008 - Ảnh 1.

Chứng khoán Mỹ đảo chiều trong phiên 20/3.

Kết phiên thứ Sáu 20/3, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 913 điểm, tương đương 4,55% và đóng cửa ở 19.174 điểm. Trong phiên có lúc chỉ số này tăng hơn 400 điểm.

Chỉ số S&P 500 cũng đảo chiều chuyển từ xanh sang đỏ và mất 4,34%, kết phiên ở 2.305 điểm. Nasdaq Composite đầu phiên có lúc tăng hơn 2% nhưng cuối cùng ghi nhận mức giảm 3,8%, đóng cửa ở 6.880 điểm.

Tính chung cả tuần qua, Dow Jones sụt hơn 17%, S&P 500 mất hơn 13% còn Nasdaq Composite cũng giảm 12,6%. Đây là tuần sụt giảm mạnh nhất đối với cả ba chỉ số kể từ năm 2008. Tuần trước, S&P 500 đã mất 11,5%.

Tính từ đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 2, chỉ số S&P 500 hiện nay đã giảm 32,1% trong khi Dow Jones mất 35,2%.

Dow Jones đảo chiều giảm hơn 900 điểm, đánh dấu tuần tệ hại nhất của chứng khoán Mỹ kể từ 2008 - Ảnh 2.

Chỉ số S&P 500 tăng trưởng 400% trong 11 năm thị trường giá lên và sụt 32% trong một tháng thị trường giá xuống (thị trường gấu)

Theo CNBC, nhiều thông tin bất ngờ đã tác động đến diễn biến thị trường phiên cuối tuần, bao gồm lệnh yêu cầu người dân ở nhà của bang New York, giá dầu quay đầu đi xuống và đồng USD mạnh lên. Trong một tháng qua giá dầu đã giảm còn một nửa. Sự đi xuống này của giá dầu đang có hiệu ứng lan tỏa tới các thị trường khác, khiến nhà đầu tư bán nhiều loại tài sản.

Các nguồn tin của CNBC cho biến Ronin Capital – một công ty thanh toán bù trừ tại sàn giao dịch của CME Group đã không thể đáp ứng được yêu cầu vốn tối thiểu. Theo CNBC, thông tin này cũng gây áp lực nặng nề lên thị trường cổ phiếu trong hai giờ giao dịch cuối cùng của phiên. Đây là một dấu hiệu cho thấy nhiều công ty đang phải căng mình ra chống đỡ đợt giảm sốc của thị trường.

Ông Sal Bruno, Giám đốc đầu tư tại công ty tư vấn IndexIQ nhận định: "Thị trường đang giao dịch dựa theo cảm tính hơn là theo số liệu thực tế, vì vậy nên sự biến động mới mạnh và khó lường như vậy".

"Nhiều loại tài sản bị bán tống bán tháo không vì lí do thuyết phục nào, đơn giản chỉ là vì sự sợ hãi. Sau này khi chúng ta nhìn lại, chúng ta sẽ thấy rõ hơn bao nhiêu quyết định bán là dựa trên thông tin và bao nhiêu là dựa trên cảm tính", ông Sal Bruno nói.

Cổ phiếu tập đoàn công nghiệp 3M và hãng giải trí Disney đều sụt hơn 9%, dẫn đầu đà lao dốc của Dow Jones trong phiên 20/3. Nhóm ngành công nghệ của chỉ số S&P 500 giảm hơn 4% khi các cổ phiếu thành phần đồng loạt đi xuống như Microsoft mất 3,8%, Qualcomm sụt 6,3%.

Tuần vừa qua không chỉ là tuần giảm mạnh nhất trong 12 năm gần đây mà còn là giai đoạn biến động thất thường chưa từng thấy của thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số biến động CBOE – thước đo sự sợ hãi của nhà đầu tư phố Wall – có phiên đóng cửa trên 80 điểm, vượt qua đỉnh hồi khủng hoảng kinh tế 2008.

Dow Jones đảo chiều giảm hơn 900 điểm, đánh dấu tuần tệ hại nhất của chứng khoán Mỹ kể từ 2008 - Ảnh 2.

Chứng khoán Mỹ nhiều phiên giảm sâu, tăng sốc.

Ông JJ Kinahan – Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty chứng khoán TD Ameritrade nhận định: "Không có lí do gì để sự biến động hiện nay lắng dịu xuống. Nhà đầu tư chỉ có thể mong thị trường dao động trong một khoảng nào đó. Tôi nghĩ hiện tại không ai có thể đưa ra một ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự cứng nào vì những tăng giảm cực sốc thời gian gần đây".

Tính từ đầu tháng 3 đến nay Dow Jones đã giảm hơn 24% và đang trên đà ghi nhận tháng giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 9/1931. Tương tự, S&P 500 cũng mất 22% trong tháng 3 và nhiều khả năng sẽ có tháng giảm sâu nhất kể từ tháng 5/1940.

Chính quyền Tổng thống Trump và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố và bắt đầu thực hiện những gói kích thích kinh tế trị giá hàng nghìn tỉ USD để hạn chế thiệt hại từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên những động thái này vẫn chưa thể làm yên lòng các nhà đầu tư.

Theo tổng hợp của Đại học Johns Hopkins, nước Mỹ hiện nay đã ghi nhận 18.563 ca dương tính với COVID-19 và 227 ca tử vong. 

Tại bang New York, Thống đốc Andrew Cuomo đã ra lệnh cho 100% các công việc kinh doanh không thiết yếu phải được thực hiện từ nhà. "Đây là biện pháp mạnh tay nhất mà chúng ta có thể thực hiện", ông Cuomo phát biểu trước báo giới.

Tỉ phú Ray Dalio, nhà sáng lập công ty quản lí đầu tư Bridgewater dự đoán đại dịch này sẽ khiến các tập đoàn của Mỹ thiệt hại khoảng 4.000 tỉ USD, và "rất nhiều người sẽ cháy túi".

"Chúng ta đang có một cuộc khủng hoảng, nhiều người sẽ thua lỗ nặng. Chính phủ cần phải tiêu tiền, thật nhiều tiền", tỉ phú Ray Dalio nói.

Song Ngọc