Dow Jones có tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 4
Kết phiên 22/5, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 9 điểm, tức chưa tới 0,1%, xuống còn 24.465 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,2% trong khi Nasdaq Composite tăng 0,4%.
Tính cả tuần, Dow Jones tăng 3,3% và đánh dấu tuần đi lên mạnh nhất kể từ ngày 9/4. S&P 500 và Nasdaq cũng thêm hơn 3% trong tuần qua. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 vượt trội khi nhảy vọt hơn 7%.
Phiên đầu tuần, thị trường chứng khoán thăng hoa với tin tức tích cực về triển vọng vắc xin ngừa COVID-19 do hãng Moderna nghiên cứu và thử nghiệm. Dow Jones tăng hơn 900 điểm vào ngày thứ Hai (18/5).
Hôm 22/5, Reuters dẫn lời các nhà khoa học hàng đầu cho biết Mỹ đang nỗ lực thực hiện một kế hoạch bao gồm 100.000 người tình nguyện thử nghiệm các loại vắc xin tiềm năng.
Tiến sĩ Anthony Fauci – Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) trả lời hãng tin NPR ngày 22/5 cho biết số liệu về loại vắc xin của Moderna có vẻ "đầy hứa hẹn". Cổ phiếu Moderna tăng hơn 2% sau bình luận này.
Sau đó, Tiến sĩ Fauci trả lời hãng tin CNBC cho biết ông cảm thấy "phấn khích" về việc nền kinh tế đang mở cửa trở lại.
"Chúng ta không nên đóng cửa trong thời gian dài đến mức gây ra những thiệt hại không thể cứu vãn được. Có thể có rất nhiều hệ quả không mong muốn, bao gồm cả về sức khỏe", ông Fauci nói. "Vì vậy nên các hướng dẫn đã được ban hành để các thành phố và tiểu bang bắt đầu mở cửa trở lại".
Cổ phiếu ngành bán lẻ diễn biến tích cực nhất tuần qua nhờ hi vọng nối lại hoạt động kinh tế. TJX nhảy vọt 13,2% trong khi GAP tăng 8%. Cổ phiếu các ngân hàng Citigroup, JPMorgan Chase và Wells Fargo đều tăng hơn 3% trong tuần qua.
Thị trường chứng khoán khó đi lên mạnh trong phiên cuối tuần 22/5 do những căng thẳng mới xuất hiện trong quan hệ Mỹ - Trung.
Tại kì họp quốc hội đang diễn ra tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã công bố dự luật an ninh mới áp dụng cho Hong Kong. Dự luật này được cho là sẽ tăng cường sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với Hong Kong sau khi các cuộc biểu tình chống chính quyền bùng phát và kéo dài hồi năm ngoái.
Trung Quốc cũng quyết định không đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2020. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc từ bỏ mục tiêu quan trọng này.
"Trung Quốc không đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cụ thể trong năm nay vì chúng ta sẽ phải đối mặt với một số yếu tố khó lường về đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới và môi trường thương mại", Thủ tướng Lý Khắc Cường nói. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn duy trì việc đặt chỉ tiêu về việc làm, thâm hụt ngân sách, vay nợ, …
Trước đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật với nội dung siết chặt kiểm soát với các doanh nghiệp nước ngoài – đặc biệt là Trung Quốc hoạt động tại Mỹ. Nếu không tuân thủ các qui định kế toán, kiểm toán nghiêm ngặt, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ không được phép niêm yết tại Mỹ.