Dow Jones cắm đầu giảm 470 điểm, nhóm công nghệ được giải cứu khỏi hố sâu
Theo CNBC, nhóm công nghệ vốn hóa lớn (Big Tech) bị bán tháo và sụt giảm từ sáng 11/5 giữa nhiều lo ngại về lạm phát tăng và định giá quá cao. Đà bán tháo dần dần lan sang các nhóm cổ phiếu khác trên thị trường.
Tuy nhiên đến buổi chiều, Big Tech lại phục hồi mạnh mẽ khi nhà đầu tư dồn tiền vào những tên tuổi như Amazon, Netflix, còn thị trường chung thì vẫn chìm sâu trong sắc đỏ.
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite có lúc sụt 2,2% nhưng kết phiên chỉ còn giảm 0,1%.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa giảm 474 điểm, tương đương 1,4%, còn 34.269 điểm. Đây là phiên tiêu cực nhất của chỉ số bluechip này kể từ ngày 26/2 trở lại đây. Dẫn đầu đà lao dốc là cổ phiếu bảo hiểm Travelers và bán lẻ Home Depot.
Chỉ số S&P 500 sụt 0,9% còn 4.152 điểm. Trong tổng số 11 nhóm ngành thành phần thì có đến 10 nhóm đóng cửa trong sắc đỏ.
Đầu phiên, các cổ phiếu công nghệ định giá cao dẫn đầu đà giảm của thị trường. Cơn bán tháo sau đó lan rộng ra đủ nhóm ngành, từ ngân hàng tới năng lượng và công nghiệp.
Về sau, nhóm công nghệ hồi phục mạnh. Netflix và Amazon chuyển từ giảm thành tăng hơn 1%, Facebook cũng ngược dòng xanh 0,2%. Apple và Alphabet giảm lỗ đáng kể. Tesla đóng cửa giảm 1,9% nhưng cũng cao hơn nhiều so với đáy của phiên.
Chứng chỉ quỹ ARK Innovation ETF tập trung vào các cổ phiếu tăng trưởng kết phiên tăng hơn 2% dù trước đó giảm sâu. Vào phiên ngày hôm trước (10/5), cổ phiếu Big Tech đã lao dốc đáng kể, Nasdaq mất 2,5%.
Chỉ số biến động Cboe - thước đo nỗi sợ hãi trên thị trường dựa vào giá quyền chọn chỉ số S&P 500 - tăng vọt lên 23,73 điểm trong ngày 11/5, mức cao chưa từng thấy trong hai tháng trở lại đây. Thông thường, chỉ số Cboe tăng sẽ đi kèm với thị trường chứng khoán suy giảm.
Nhận định của tỷ phú quản lý quỹ đầu cơ Stanley Druckenmiller trên đài CNBC sáng 11/5 đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Ông cho rằng giá tài sản đang ở trong một "cơn sốt dữ dội" và rằng việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cùng Nhà Trắng bơm quá nhiều thanh khoản vào một nền kinh tế đang nóng sẽ đe dọa vị thế đồng tiền dự trữ của USD.
"Tôi chưa từng thấy giai đoạn nào trong lịch sử mà chính sách tài khóa và tiền tệ lại lệch pha với tình hình kinh tế tới mức như hiện nay. Thực sự chưa thấy bao giờ", ông Druckenmiller nói.
Số liệu mới nhất về tình trạng thiếu hụt lao động và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng cao khiến nhà đầu tư càng thêm lo lắng về lạm phát và lãi suất.
Bộ Lao động Mỹ ngày 11/5 cho biết số vị trí mà các doanh nghiệp cần tuyển người trong tháng 3 tăng 597.000 (tương đương 8%) so với tháng 2, lên mức 8,12 triệu vị trí. Tuy nhiên, số lao động thuê mới chỉ tăng thêm 215.000 (tức 3,7%) lên hơn 6 triệu.