|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dow Jones mất hơn 2.000 điểm ngay đầu phiên, chứng khoán Mỹ giảm sâu tới mức thị trường phải tạm ngừng giao dịch

22:03 | 09/03/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày đầu tuần 9/3 cắm đầu lao dốc trong bối cảnh nhà đầu tư tiếp tục lo lắng về thiệt hại kinh tế của dịch COVID-19. Cuộc chiến giá dầu giữa Nga và OPEC khiến giá dầu sụt 30% trong một phiên cũng làm cho thị trường chứng khoán thêm bất ổn.

Xem thêm: Chứng khoán Mỹ hôm nay 10/3

Ngay đầu phiên 9/3 tại Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 2.046 điểm, tương đương 7,9%; chỉ số S&P 500 cũng mất tới 220 điểm, tương đương hơn 7,4%; Nasdaq Composite giảm trên 7%.

Theo qui định của thị trường Mỹ, khi chỉ số S&P 500 giảm quá mạnh, thị trường sẽ tạm ngừng giao dịch để các nhà đầu tư "bình tâm" trở lại, hạn chế đà lao dốc của thị trường. Khi chỉ số giảm quá các ngưỡng 7% hoặc 13%, thị trường ngừng giao dịch trong vòng 15 phút; nếu giảm quá 20%, thị trường sẽ dừng giao dịch cho tới ngày hôm sau.

Do mức giảm sốc đầu phiên 9/3, thị trường chứng khoán Mỹ đã phải tạm nghỉ giao dịch 15 phút.

Sau khi giao dịch trở lại, các chỉ số hồi phục một phần. Dow Jones rút ngắn mức giảm còn khoảng 1.400 điểm, vẫn đủ để ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 12/2008.

Chỉ số S&P 500 tuy giảm rất sâu nhưng vẫn chưa thuộc vào top 20 phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này trong lịch sử (xét theo tỉ lệ %).

Dow Jones bay hơn 2.000 điểm ngay đầu phiên, chứng khoán Mỹ giảm sâu tới mức thị trường phải tạm ngừng giao dịch - Ảnh 1.

Cú giảm sâu đầu phiên 9/3 của S&P 500 chưa đủ để lọt vào top 20 phiên giảm mạnh nhất lịch sử chứng khoán Mỹ nhưng đã đủ để buộc thị trường tạm đóng cửa trong 15 phút.

Giữa những lo ngại về việc dịch COVID-19 sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, các nhà đầu tư tiếp tục rút tiền khỏi thị trường cổ phiếu để chuyển sang các tài sản an toàn hơn như trái phiếu và vàng. 

Phiên 9/3, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kì hạn 10 năm lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới 0,5%, thậm chí có lúc dưới 0,4%. Lợi suất kì hạn 30 năm cũng xuống dưới ngưỡng 1%. Lợi suất giảm đồng nghĩa với giá trái phiếu đi lên.

Một loại tài sản an toàn khác là vàng cũng chứng kiến giá tăng vượt qua ngưỡng 1.700 USD/ounce và lên đỉnh cao nhất kể từ tháng 12/2012. Trái lại, giá kim loại đồng xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm gần đây. Giá đồng thường được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế vì khi nền kinh tế tăng trưởng tốt, nhu cầu sử dụng đồng cho xây dựng và sản xuất thiết bị sẽ tăng cao; ngược lại, khi hoạt động kinh tế trì trệ, giá đồng sẽ sa sút.

Sự bất ổn của thị trường dầu mỏ cũng khiến nhà đầu tư thêm bất an. Thứ Sáu tuần trước (6/3), cuộc đàm phán giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga đổ vỡ, hai bên không thống nhất đề xuất cắt giảm thêm sản lượng để hỗ trợ giá dầu.

14 thành viên OPEC và các nước đồng minh cũng không thể thống nhất về việc kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng đang áp dụng hiện nay. Điều này có nghĩa là vào tháng 4 tới khi thỏa thuận hết hiệu lực, các quốc gia sẽ có thể khai thác và bán bao nhiêu dầu tùy thích.

Vương quốc dầu mỏ Saudi Arabia nhanh chóng chuyển từ cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu sang tăng mạnh nguồn cung để hạ giá bán dầu thô kể từ tháng 4. Về lí thuyết, Saudi Arabia có thể bơm ra thị trường tới 12,5 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Sau thông tin này, giá dầu rơi tự do 31% ngay trong những giây giao dịch đầu tiên của phiên 9/3, dầu thô U.S. West Texas Intermediate (WTI) còn 28 USD/thùng, dầu Brent tiêu chuẩn quốc tế còn 32 USD/thùng. Đây là phiên giảm sâu nhất của giá dầu kể từ cuộc chiến tranh Vùng Vịnh gần 30 năm về trước.

Dow Jones bay hơn 2.000 điểm ngay đầu phiên, chứng khoán Mỹ giảm sâu tới mức thị trường phải tạm ngừng giao dịch - Ảnh 2.

Ngày 9/3, giá dầu Brent có một trong những phiên giảm sâu nhất lịch sử.

Từ đầu năm 2020 đến nay, giá dầu WTI và Brent đều đã giảm hơn giá hơn 50%. Một số nhà phân tích còn dự báo giá dầu có thể sẽ chỉ còn 20 USD/thùng.

Hôm 8/3, ông Adam Crisafulli, người sáng lập công ty phân tích Vita Knowledge nhận định: "Đối với thị trường chứng khoán, hiện nay dầu thô là vấn đề đáng lo ngại hơn cả dịch COVID-19. Chỉ số S&P 500 không thể bật lên nếu giá dầu Brent cứ giảm tiếp".

Qua trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng giá xăng dầu xuống thấp là "tốt cho người tiêu dùng". Ông cũng đổ lỗi cho giới truyền thông và cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Arab Saudi là nguyên nhân khiến cho thị trường chứng khoán Mỹ cắm đầu.

Cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực bán tháo mạnh do lợi suất xuống thấp sẽ tác động tiêu cực tới biên lợi nhuận của các nhà băng, còn giá dầu giảm sẽ khiến các công ty năng lượng mất khả năng trả nợ. Cổ phiếu đại gia JP Morgan Chase sụt hơn 9%.

Chứng chỉ quĩ trái phiếu lợi suất cao iShares High Yield Corporate Bond ETF (HYG) cũng sụt 4,5% khi nhà đầu tư lo ngại giá dầu xuống quá thấp sẽ khiến nhiều công ty năng lượng nhỏ vỡ nợ trên thị trường tín dụng lợi suất cao.

Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bất ngờ hạ lãi suất 50 điểm cơ bản để giúp nền kinh tế chống chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Hôm 9/3, Fed chi nhánh New York thông báo sẽ nâng nguồn vốn cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng từ 100 tỉ USD lên 150 tỉ USD để giúp các nhà băng đảm bảo nguồn vốn hoạt động.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà đầu tư đang dự báo Fed sẽ giảm lãi suất 75 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách vào ngày 17-18/3 tới. Sau khi giảm xuống trong tuần trước, lãi suất chính sách của Fed hiện ở trong khoảng 1-1,25%, tức là dư địa để nới lỏng tiền tệ không còn nhiều.

Tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Tổng số ca dương tính trên toàn cầu hiện nay đã vượt 109.000 trường hợp với trên 3.800 ca tử vong. Tại Mỹ, số ca nhiễm cũng đang tăng nhanh và tính đến ngày 9/3, ba bang New York, California và Oregon đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19.

Song Ngọc