Dow Jones bật tăng trong ngày đầu tháng 9, dứt chuỗi giảm 4 phiên liên tục
Thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa ngày 1/9 trong sắc đỏ. Tuy nhiên, Dow Jones dần chuyển biến khả quan và kết phiên tăng 146 điểm, tương đương 0,46%, và dừng ở mức 31.656 điểm. S&P 500 cũng tăng 0,3% lên gần 3.967 điểm. Cả hai chỉ số cùng dứt chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp bắt đầu từ thứ Sáu tuần trước (26/8).
Ở chiều ngược lại, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,26% còn 11.785 điểm, vẫn cao hơn so với mức đáy trong phiên. Theo CNBC, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 2, chỉ số này giảm 5 phiên liên tục.
Thị trường chứng khoán Mỹ biến động trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng vượt mốc 3,5% và ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 11/2007. Các cổ phiếu tăng trưởng nhạy cảm với lãi suất đồng loạt đi xuống
Cổ phiếu hãng sản xuất chip Nvidia sụt gần 7,7% sau khi chính phủ Mỹ hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc. Cổ phiếu Intel cũng giảm 0,5%, Advanced Micro Devices mất 3%. Biểu đồ bên dưới cho thấy công nghệ là một trong ba nhóm cổ phiếu đi xuống trong phiên đầu tháng 9.
Cổ phiếu dầu khí lao dốc mạnh khi giá dầu thô Brent và WTI sụt lần lượt 3,6% và 2,5%.
Nguy cơ trong tháng 9
Thị trường chứng khoán Mỹ suy giảm trong những tuần gần đây khi nhà đầu tư đón nhận các bình luận mang tính diều hâu của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ngân hàng trung ương Mỹ thể hiện quyết tâm nâng lãi suất lên cao trong thời gian dài để chống lạm phát, bất chấp những thiệt hại kinh tế có thể xảy đến.
- TIN LIÊN QUAN
-
Giới chức Fed khẳng định sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhưng vẫn mập mờ về quy mô 31/08/2022 - 08:47
Nhà đầu tư đang đánh giá xem liệu các chỉ số cổ phiếu trong tháng 9 có kiểm định lại mức đáy hồi giữa tháng 6 hay không. Trong lịch sử, thị trường chứng khoán Mỹ thường diễn biến tiêu cực vào tháng 9.
Theo thống kê của công ty nghiên cứu CFRA, S&P 500 giảm trung bình 0,56% trong các tháng 9 kể từ sau Thế chiến II đến nay, xác suất giảm trong tháng 9 là 56%.
Bước sang tháng 10, chỉ số tăng trung bình 0,9%. Tháng 11 và tháng 12 cũng là những giai đoạn tích cực cho cổ phiếu với chỉ số S&P 500 tăng bình quân lần lượt 1,4% và 1,6%.
CNBC dẫn lời ông John Lynch, Giám đốc đầu tư của Comerica Wealth Management, nhận định: “Thị trường sẽ kiểm tra lại đáy của tháng 6 khi nhà đầu tư cuối cùng đã nhận ra cường độ thắt chặt chính sách của Fed. Lạm phát và suy thoái thường dẫn tới định giá thị trường giảm đi và các nhà đầu tư cần xem xét lại mức định giá khi lãi suất tăng”.
“Việc kiểm định thành công đáy hồi tháng 6 sẽ là một diễn biến quan trọng do mô hình hai đáy sẽ giúp xua đi những lo ngại về biến động trong những tháng tới”, ông Lynch nói thêm.
Nhà đầu tư đợi báo cáo việc làm tháng 8
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ 3,19% vào chiều 31/8 lên mức 3,26% vào ngày 1/9, cao nhất kể từ ngày 22/6. Lợi suất kỳ hạn 2 năm cũng vọt lên 3,51%, cao nhất trong gần 15 năm qua.
Các nhà phân tích cho rằng mặt bằng lợi suất biến động chủ yếu là do nhà đầu tư chờ đợi báo cáo việc làm tháng 8 được công bố vào ngày 2/9, không phải vì những diễn biến trong ngày 1/9.
Các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát dự báo Mỹ có thêm 318.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 3,5%.
Sáng 1/9, Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết số người xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước (kết thúc ngày 27/8) là 232.000, giảm 5.000 người so với tuần trước đó và là mức thấp nhất trong hai tháng gần đây. Con số này cũng khả quan hơn mức 245.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.
Nhà đầu tư chú ý theo dõi dữ liệu thất nghiệp và việc làm để đánh giá khả năng chống lạm phát của nền kinh tế Mỹ. Nếu thị trường lao động vững mạnh, Fed sẽ có dư địa để nâng lãi suất và thắt chặt tiền tệ nhằm kìm hãm đà tăng của giá cả.