|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đột ngột xoay chiều chính sách và hệ lụy pháp lý

11:05 | 15/09/2017
Chia sẻ
Đại án ngân hàng - cần nhìn từ góc độ cung cách điều hành chính sách kinh tế còn lúng túng, “giật cục”, áp đặt theo tư duy mệnh lệnh hành chính.
dot ngot xoay chieu chinh sach va he luy phap ly
Hà Văn Thắm với tội danh cố ý làm trái, vi phạm các quy định về cho vay... gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng.

Cũng như cung cách điều hành chính sách kinh tế còn lúng túng, “giật cục”, áp đặt theo tư duy mệnh lệnh hành chính, chưa đo lường được những tác động của các quyết định chính sách một cách căn cơ, bài bản theo nguyên lý của thị trường. Theo đó, rủi ro tiềm ẩn của nó có thể còn lớn hơn nhiều những vụ án được đong đếm qua số tiền thiệt hại.

Vài năm gần đây, những vụ án lớn về kinh tế với số lượng cán bộ ngân hàng dính vào vòng lao lý khá nhiều. Hai vụ đại án Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm hầu tòa về tội cố ý làm trái, vi phạm các quy định về cho vay... gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng.

Bài học đau xót, trả giá đắt cho những vi phạm mà một số bộ ngân hàng gây ra đã rõ. Nhưng có lẽ cần nhìn nhận nguyên nhân sâu xa hơn từ khiếm khuyết của chính sách quản lý không theo kịp sự bùng nổ của thị trường. Rủi ro tiềm ẩn có thể còn lớn hơn nhiều những vụ án được đong đếm qua số tiền thiệt hại.

Chính sách đột ngột xoay chiều

Giai đoạn 2007-2008, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá cao (GDP trên 8%/năm) nhờ mở rộng vốn đầu tư. Tuy nhiên, ngay sau đó là khủng hoảng tài chính toàn cầu khởi nguồn từ Mỹ làm phân đoạn chu kỳ kinh tế nước ta trở nên ngắn hơn, cung tiền cho nền kinh tế thay đổi nhanh chóng: Từ 2006 đến 8.2008 tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế tăng trưởng nóng.

Từ tháng 10.2008 đến cuối năm 2010: tập trung ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, lúc này thực hiện gói hỗ trợ lãi suất có giá trị tương đương 1 tỷ USD.

Nhưng sang 2011, lạm phát bùng phát trở lại, chỉ số CPI ở mức 18,58% đó là hệ quả một thời của tín dụng tăng trưởng nóng, bình quân trên 30%, thậm chí năm 2006 tăng kỷ lục 51,54%, song hành là chính sách tài khóa cũng mở rộng, hàng ngàn dự án đầu tư ở các cấp được phê duyệt, đến mức nợ công trình XDCB dở dang từ ngân sách lên trên 100 ngàn tỷ, tạo ra cả bong bóng BĐS và chứng khoán.

Cuối tháng 2.2011 lại là cuộc hành trình thắt chặt cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ. Nóng, lạnh đột ngột của công tác điều hành kinh tế vĩ mô mang đến hệ quả khó lường: Nếu chỉ xét về thành tích kiềm chế lạm phát cuối 2012 được coi là thành công mỹ mãn, CPI về 6,81%.

Nhưng cơ thể của nền kinh tế hay của doanh nghiệp, đang có lượng vốn, ví như là máu trong cơ thể 10 lít, giảm đột ngột về 5-6 lít, thì tình trạng “sống thực vật” của hàng ngàn doanh nghiệp là tất yếu. Để ngăn chặn rủi ro nổ bong bóng TTCK và BĐS ở Việt Nam, NHNN bằng Chỉ thị 03 đã giới hạn cho vay chứng khoán được đưa về 3% tổng dư nợ của TCTD, kế tiếp Thông tư 13 đưa hệ số rủi ro quy đổi rủi ro đối với dư nợ cho vay chứng chứng khoán và bất động sản lên 250%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc siết chặt việc cho vay vào hai lĩnh vực này bằng yêu cầu về vốn cho phòng ngừa rủi ro cao hơn.

Một trong những chức năng nhiệm vụ của những nhà hoạch định chính sách là cảnh báo rủi ro và đưa ra lộ chỉnh điều chỉnh có báo trước, nhưng một thời các nhà quản lý nóng vội mà không lường hết hậu quả, độ trễ chính sách.

Cách làm này được ví như hình tượng cỗ xe khổng lồ đang chạy tốc độ cao đột ngột thắng gấp, thì đổ vỡ, tai nạn là tất yếu. Phải thừa nhận khách quan và thẳng thắn rằng, bong bóng bất động sản, chứng khoán tăng cao có lỗi từ điều hành chính sách và khi nó đột ngột xì hơi mạnh mẽ, khiến nợ xấu ngân hàng tăng cao cũng xuất phát từ nguyên nhân quan trọng từ điều chỉnh chính sách quá mau lẹ.

Phản ứng của thị trường với chính sách “mau lẹ”

Từ năm 2011 đến đầu năm 2012, có lúc lãi suất vay vốn qua đêm giữa các TCTD trên thị trường liên ngân hàng lên đến trên 30% để giải quyết vấn đề thanh khoản căng thẳng. Để chặn đà tăng nóng của tín dụng, cạnh tranh đẩy lãi suất cả huy động và cho vay cao ngất ngưởng, xà ngang về trần lãi suất huy động vốn không quá 14% được NHNN đưa ra tức thì.

Người kinh doanh khờ nhất cũng hiểu rằng huy động vốn từ thị trường I (cá nhân và các tổ chức không phải TCTD) với phần trả lãi ngoài cho khách hàng bằng nhiều cách lách khác nhau có thể chi tới 5% thì tổng lãi suất huy động được vốn từ thị trường I mới chỉ lên đến 18-19%/năm, thấp hơn nhiều so với phần vay từ thị trường II (vay mượn lẫn nhau giữa các TCTD) tới 30%.

Phản ứng của thị trường hay của người chơi theo hướng có lợi nhất cho mình cả người gửi và người nhận tiền là tất yếu. Đây cũng chính là căn nguyên dẫn đến nhiều cán bộ ngân hàng phải vướng vào tội danh “vi phạm các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả”. Điều này có thể hình dung được khi ông Hà Văn Thắm và bà Nguyễn Thị Nga nguyên lãnh đạo của Oceanbank có những lập luận của mình là chi lãi suất ngoài là để cứu ngân hàng.

Đâu là bài học?

Ở đây, cần rút ra những bài học thất bại của thị trường, cũng như bất cập trong tư duy thiết kế và điều hành chính sách.

Lớn nhất là bài học chưa tôn trọng triệt để quy luật của kinh tế thị trường, trong thiết kế điều hành chính sách kinh tế còn nghiêng về công cụ hành chính, xử lý nhiều biện pháp tình huống nhưng chưa nhất quán với định hướng chiến lược về phát triển vận hành đồng bộ các loại thị trường như thị trường tiền tệ, thị trường vốn, thị trường bất động sản.

Thứ hai, bài học về sự không theo kịp sự phát triển thị trường của hoạt động dự báo, của tư duy thiết kế chính sách, của tư duy sử dụng công cụ điều tiết hoạt động của thị trường, nhất là thị trường tài chính, thị trường BĐS ở một số cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ ba, cần nhất quán trong hoàn thiện thể chế chính sách theo đúng nguyên lý thị trường, để minh bạch, an toàn cho các nhà đầu tư kinh doanh, trong đó các chủ nhà băng cũng như cán bộ làm kinh doanh trong ngành này không còn nơm nớp lo sợ tội “hình sự” bỗng nhiên rơi xuống đầu.

Sau cùng, đã đến lúc cần lượng hóa cụ thể những mặt được và mặt rủi ro của chính sách một cách thận trọng để thấy rõ thành tích và trách nhiệm từ cán bộ tham mưu đến lãnh đạo quyết định chính sách thì mới có thể nâng cao chất lượng thể chế chính sách, giảm thiểu những hệ lụy mà nó gây ra cho nền kinh tế.

Công Minh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.