|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dòng vốn ngoại phân hóa tại ngân hàng

07:07 | 22/02/2023
Chia sẻ
Cổ phiếu “vua” ngân hàng luôn thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, dòng vốn ngoại tại các ngân hàng đang được phân hoá khá rõ.

Theo số liệu cập nhật mới nhất của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) có hiệu lực đến ngày 21/2 thì 14 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã kín hoặc gần kín tỷ lệ sở hữu vốn ngoại như ABB, ACB, CTG, HDB, MBB, MSB, OCB, STB, TCB, TPB, VCB, VPB, LPB, VIB. 

Khách hàng giao dịch tại Chứng khoán Bảo Việt, số 8 Lê Thái Tổ, Hà Nội. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN

Trong số đó, tỷ lệ nắm giữ tại ABB là 24,6/24,61%; ACB là 30/30%, MBB là 23,24/23,235%; MSB là 29,96/30%; OCB là 21,54/22%; STB là 29,27/30%; TCB là 22,46/22,459%; TPB là 30/30%; VIB là 20,5/20,5%; VPB là 17,64/17,642%; LPB là 5/5%. 

Riêng nhóm “big four” như BID, nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ 17,25% trên tỷ lệ 30% cổ phần được sở hữu tối đa; tỷ lệ này đã tăng 0,01% so với mức 17,24% của 1 tuần giao dịch trước đó. Với CTG, nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ 28,12% trên tỷ lệ 30% được sở hữu tối đa; tỷ lệ nắm giữ này đã tăng 0,01% so với mức 28,11% của 1 tuần giao dịch trước đó. Hay tại VCB, nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ 23,62% trên tỷ lệ 30% được sở hữu tối đa; tỷ lệ nắm giữ này  không đổi so với mức 23,62% của 1 tuần giao dịch trước đó.

Theo quan sát đối với các ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã kín hoặc gần kín tỷ lệ sở hữu vốn ngoại đều là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao cũng như sở hữu khả năng sinh lời cao trong hệ thống ngành này. 

Tính riêng nhóm ngân hàng quốc doanh, CTG có tốc độ tăng trưởng 20% so với mức 3% cùng kỳ. VCB với mức tăng cải thiện mạnh từ gần 19% lên 37% trong năm 2022, đạt mức 37.358 tỷ đồng… Ở khối ngân hàng tư nhân, nhiều ngân hàng duy trì mức tăng trưởng cao đến 50% gồm VPB (47,7%), STB (44,1%)…

Theo quy định tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, tỷ lệ sở hữu cổ phần nhà đầu tư nước ngoài không quá 5% vốn điều lệ đối với cá nhân nước ngoài; không quá 15% vốn điều lệ đối với tổ chức nước ngoài; không quá 20% vốn điều lệ đối với nhà đầu tư chiến lược; nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan không quá 20% vốn điều lệ.

Dù vậy, một số ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp như SSB với 0,02/5%; VAB với 0/30%, VBB với 0/30%, NAB với 0,03/30%, PGB với 0/30%, SGB với 0,02/30%, BVB với 0,1/5%, KLB với 0/30%...

Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sau 2 năm bán ròng quyết liệt, khối ngoại bắt đầu mua ròng trở lại; trong đó, ngân hàng là lĩnh vực ưa thích và được mua ròng nhiều nhất.

Theo đó, kể từ tháng 11, lạm phát đã hạ nhiệt, các Ngân hàng Trung ương lên kế hoạch giảm tốc độ tăng lãi suất, chỉ số sức mạnh đồng USD - DXY hạ nhiệt và kích thích đầu tư vào các tài sản rủi ro. Việt Nam với tư cách là một thị trường cận biên, có mức định giá hấp dẫn sau một đợt điều chỉnh mạnh của thị trường trong năm 2022, đã thu hút dòng vốn mạnh từ khối ngoại.

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sau 2 năm bán ròng quyết liệt, khối ngoại bắt đầu mua ròng trở lại trong năm 2022. Đặc biệt, khối này mua ròng đột biến vào những tháng cuối năm. Trong đó, Ngân hàng là lĩnh vực ưa thích và được mua ròng nhiều nhất.

VDSC cho rằng, kể từ tháng 11, lạm phát đã hạ nhiệt, các Ngân hàng Trung ương lên kế hoạch giảm tốc độ tăng lãi suất, chỉ số sức mạnh đồng USD - DXY hạ nhiệt và kích thích đầu tư vào các tài sản rủi ro. Việt Nam với tư cách là một thị trường cận biên, có mức định giá hấp dẫn sau một đợt điều chỉnh mạnh của thị trường trong năm 2022, đã thu hút dòng vốn mạnh từ khối ngoại.

Trong báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán SSI, nửa đầu năm 2023, thị trường vẫn nhận thấy các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến ngành ngân hàng. Điều này bao gồm áp lực lên lãi suất tương ứng với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất điều hành, tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc từ mức cao của 2022 và rủi ro nợ xấu vẫn tiềm ẩn.

“Những thách thức này có thể dẫn đến sự điều chỉnh của một số cổ phiếu trong ngành, song cũng có thể tạo ra cơ hội đầu tư tốt đối với những cổ phiếu có yếu tố cơ bản vững chắc”, nhóm chuyên gia nhận định.

Giám đốc phụ trách Danh mục đầu tư của Dragon Capital Vũ Hữu Điền đánh giá, nửa cuối năm 2023, thị trường sẽ có xu hướng tích cực hơn khi những khó khăn dần được gỡ bỏ. Những ngành nghề bị ảnh hưởng trước đó sẽ có khả năng tăng trưởng tốt trong thời gian tới, đặc biệt là ngân hàng.

Theo chuyên gia này: “Nhiều vấn đề của ngành ngân hàng khiến nhiều người lo sợ. Tuy nhiên, cần phải nhớ hệ thống ngân hàng hiện khác xa so với 10 năm về trước. Các ngân hàng đang áp dụng công nghệ rất hiện đại. Bên cạnh đó, chỉ số tăng trưởng năng lực vốn chống chọi với rủi ro đã tăng rất cao, nhiều ngân hàng có mức chống chọi rủi ro lên đến 14 – 15%”.

Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay 21/2, nhóm ngành ngân hàng cũng diễn biến ảm đạm và kém tích cực với phần lớn các cổ phiếu giảm điểm sau phiên giao dịch tăng điểm mạnh hôm qua. Lực cung ghi nhận ngay từ những phút đầu và gần như xuyên suốt khiến các cổ phiếu giao dịch trong sắc đỏ phần lớn khoảng thời gian trong phiên mà không có nhịp hồi cụ thể nào.

Theo đó, EIB là cổ phiếu hiếm hoi thu hút dòng tiền tham gia mạnh và ngược dòng bứt phá tăng điểm (5,5%), khi đó VCB, HDB và TPB mặc dù chịu áp lực bán nhưng hấp thụ khá tốt và vẫn duy trì được sắc xanh đến khi kết phiên với mức tăng từ 0,4-1,1%.

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu như BID, CTG, TCB, MBB, VPB, STB, ACB, SHB, LPB, MSB, VIB, OCB đồng loạt chìm trong sắc đỏ với mức giảm từ 0,7-2,7%, qua đó trở thành “tác nhân” chính kéo chỉ số thị trường giảm điểm trong phiên hôm nay.

Diệp Anh