|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ đông ngoại đang nắm giữ bao nhiêu cổ phần trong các nhà băng Việt?

07:30 | 11/02/2023
Chia sẻ
Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại nhiều ngân hàng Việt đang tăng lên, một số đã chạm trần 30%.

Theo số liệu cập nhật ngày 10/2 của Trung tâm Lưu ký Việt Nam (VSD), tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) tại nhiều ngân hàng đã chạm trần.

ACB, TPBank, Sacombank và MSB là 4 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu khối ngoại cao nhất bằng hoặc xấp xỉ ngưỡng 30% mà mới đây nhất là Sacombank (Mã: STB). 

Các ngân hàng Techcombank, VIB, VPBank, MB, LienVietPostBank có room ngoại thấp hơn nhưng đã gần như kín room. Trong khi đó tại ABBank, tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đã vượt room (24,6%).

Trong số 27 ngân hàng đang có cổ phiếu giao dịch trên các sàn, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại 11 ngân hàng trên 20%.

 

Sức hút của cổ phiếu ngân hàng

Sự quan tâm của khối ngoại vào các cổ phiếu ngân hàng cho thấy nhóm cổ phiếu vua vẫn có sức hút nhất định trong bối cảnh hiện tại.

Chứng khoán VNDirect nhận định sức khỏe nội tại của các ngân hàng đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây, và ngành này vẫn được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn.

"Định giá của ngành ở mức thấp lịch sử là 1,1 lần P/B năm 2023 (tương đương -2 độ lệch chuẩn trung bình 3 năm) đang tạo ra một cơ hội đầu tư dài hạn hết sức hấp dẫn", chuyên gia VNDirect nhận định

Tuy vậy VNDirect vẫn giữ lập trường thận trọng đối với triển vọng ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2023 do căng thẳng thanh khoản và rủi ro trái phiếu doanh nghiệp (46.000 tỷ đồng TPDN đáo hạn) là vẫn hiện hữu. Các ngân hàng có khả năng quản trị rủi ro và bộ đệm dự phòng tốt sẽ có ưu thế về khả năng chống chọi.

Sang nửa sau năm 2023, VNDirect kỳ vọng kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng sẽ ổn định hơn khi áp lực lãi suất và tỷ giá bắt đầu giảm bớt, cùng lúc với việc thanh khoản được cải thiện nhờ nhà nước đẩy mạnh các gói đầu tư công.

Trong khi đó,Mirae Asset Việt Nam cho rằng khối các ngân hàng quốc doanh sẽ là một lựa chọn tốt nhờ định giá tương đối thấp so với mức định giá quá khứ; rủi ro hoạt động liên tục thấp; có sự hỗ trợ tốt từ cổ đông lớn; liên kết nội khối tốt; lợi thế huy động vốn và dư nợ đối với trái phiếu doanh nghiệp tương đối thấp.

Mức định giá hiện tại theo trailing P/B của các ngân hàng thương mại quốc doanh là 1,9x và NHTM tư nhân là 1,0x, giảm lần lượt 40% và 60% từ đỉnh.

Theo chuyên gia của Mirae Asset, trong ngắn và trung hạn, sẽ rất khó để ngành ngân hàng nói chung lấy lại được mức định giá trên mức trung bình 5 năm do các yếu tố vĩ mô tương đối tiêu cực và các rủi ro chính dẫn đến các đợt giảm gần đây sẽ khó được loại bỏ hoàn toàn.

Kỳ vọng nới room

Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận phương án tăng vốn của nhiều ngân hàng thương mại trong đó có cả các phương án bán vốn cho cổ đông ngoại, tuy nhiên vốn ngoại đổ vào các ngân hàng vẫn không nhiều và thiếu vắng các thương vụ M&A.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng room ngoại thấp là một trong những nguyên nhân khiến các thương vụ M&A ngân hàng trầm lắng thời gian qua. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các ngân hàng Việt, nhưng quy định room ngoại thấp khiến họ lo ngại khó tham gia sâu vào quá trình quản trị doanh nghiệp.

Theo các ngân hàng, nếu được nới room, sẽ thu hút vốn giúp gia tăng nội lực của các ngân hàng trong dài hạn, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, tăng năng lực tài chính, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.

Không chỉ các ngân hàng thương mại cổ phần, "ông lớn" quốc doanh như Vietcombank cũng đề xuất tăng room ngoại lên 35% để giúp ngân hàng đáp ứng tốt hơn các quy định về an toàn vốn và có thêm nguồn lực mở rộng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc xem xét tăng tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam là cần thiết, sẽ thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, giúp các NHTM tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh...

Trên thực tế, nhiều ngân hàng cũng đang trong quá trình tìm kiếm, làm việc với các đối tác nước ngoài để thực hiện quá trình bán vốn. VPBank, SHB, OCB đã khoá room ngoại để dành chỗ cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Còn Sacombank từng cho biết sẽ bán khoảng 30% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau hoàn tất tái cơ cấu

Diệp Bình