Dòng vốn ngoại hơn 4,4 tỷ USD đăng ký vào thị trường bất động sản
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12, tổng vốn đầu tư trực tiếp ước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 28 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng thứ 2 về thu hút vốn đầu tư FDI với hơn 4,45 tỷ USD, chiếm hơn 16% tổng vốn đầu tư đăng ký. So với cùng kỳ năm ngoái, vốn ngoại đăng ký vào lĩnh vực bất động sản tăng thêm 1,8 tỷ USD.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định, Việt Nam có sự tăng trưởng rất tốt trong những năm vừa qua, đặc biệt từ năm 2011 đến nay. Vấn đề này ảnh hưởng lớn đến khả năng chi trả bất động sản, trong đó có dòng vốn ngoại đầu tư đóng vai trò quan trọng.
Theo vị này, nếu tính lượng vốn FDI vào Việt Nam thì dẫn đầu là sản xuất và thứ hai là bất động sản. Cùng với đó, trong 5 năm trở lại đây còn có các quỹ đầu tư vào nước ta. Trước đó, dòng vốn đăng ký đầu tư vào bất động sản cao nhưng vốn thực hiện lại thấp, tuy nhiên gần đây vốn thực hiện bắt đầu tăng mạnh.
Chuyên gia cho biết, có ba loại vốn chính vào Việt Nam, bao gồm: Đầu tư bằng vốn tự có, công ty quản lý quỹ, nhà đầu tư tài chính và cả ba dòng vốn này đều đang bắt đầu đổ vào Việt Nam. Đến nay, Việt Nam được đánh giá là thị trường đầu tư cơ hội, chứ không phải thị trường đầu tư thông qua dòng tiền ổn định.
Dữ liệu của Cushman & Wakefield Việt Nam cho thấy, dòng vốn ngoại đi vào rất nhiều phân khúc bất động sản và trong thời gian vừa qua đã có sự dịch chuyển rõ nét từ bất động sản nhà ở sang bất động sản khu công nghiệp, văn phòng.
Thực tế, vốn FDI chỉ là một trong rất nhiều nguồn vốn đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam. Theo PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có 10 luồng tiền chủ lực đổ vào thị trường địa ốc.
Luồng tiền thứ nhất là từ hệ thống các ngân hàng thương mại. Room tín dụng vừa được nới thêm 1,5 - 2% (tương đương khoảng 240.000 tỷ đồng). Sang năm 2023, tín dụng dự báo sẽ tiếp tục tăng, xong theo chuyên gia, phải kiểm soát.
Luồng tiền thứ hai là từ thị trường chứng khoán. Thị trường đang có xu hướng tăng. Đặt khả năng nếu chứng khoán tăng đến mức 1.300 - 1.400 điểm sẽ có một lượng tiền lớn đi vào nền kinh tế và thị trường bất động sản. Khi đã xuất hiện đỉnh thì khả năng vượt đỉnh là chắc chắn, theo chuyên gia.
Luồng tiền thứ ba là trái phiếu doanh nghiệp. Những khó khăn của năm 2022 đang đi qua và thị trường dự báo sẽ bớt khó khăn hơn trong thời gian tới. Vấn đề cần làm bây giờ là xử lý lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2023. Vị này cho rằng, nếu có một văn bản để xử lý, hoặc là đình, giãn, hoãn; hoặc là kéo dài,… thì hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề này, .
Luồng tiền thứ tư là nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo ông Chung, có nhiều triển vọng tươi sáng cho nguồn vốn này trong thời gian tới. Ông dẫn chứng, hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và đứng thứ hai trong nhóm các thị trường mới nổi. Lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới.
Luồng tiền thứ năm là kiều hối vẫn đang rất ổn định, theo ông Chung. Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hồi lớn nhất thế giới, trong đó ước tính 25% kiều hối đầu tư vào bất động sản nói chung.
Luồng tiền thứ sáu là các nhà đầu tư tiềm năng, khi có cơ hội sẽ đầu tư ngay với tâm lý không có ngoại lệ là có tích luỹ sẽ đầu tư đất đai, mua nhà ở.
Các luồng tiền còn lại có thể kể đến như các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vượt qua thời điểm khó khăn; hoạt động M&A; những nhà đầu tư chiến lược mới xuất hiện có thể xem như “sếu đầu đàn” có thể làm thay đổi cục diện của một địa phương, một vùng kinh tế,…
“Trong năm 2022, có 4/10 luồng tiền này ở trạng thái tiêu cực thì hiện nay đã có thay đổi theo hướng tích cực hơn hoặc ít nhất là đi ngang. Sẽ không có luồng tiền nào trong năm 2023 tiêu cực hơn trong năm 2022”, ông Chung nhận định.