Dòng tiền thông minh 3/12: NĐT cá nhân mua ròng hơn 1.500 tỷ đồng, tập trung gom DXG, HPG
Sau những phiên biến động đầu tuần với biên độ lớn, VN-Index chuyển sang trạng thái đi ngang trong phiên thứ Năm (2/12), kèm theo đó là thanh khoản giảm mạnh (gần 25%) so với mức bình quân 20 ngày.
Xuyên suốt phiên VN-Index dao động trong vùng giá xanh, tuy nhiên giảm dần sau 14h và chuyển đỏ vào những phút cuối. Kết phiên, VN-Index đóng cửa tại 1.482 điểm, giảm nhẹ 3,1 điểm tương ứng 0,2% so với phiên giao dịch ngày hôm trước.
Giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 22.857 tỷ đồng, giá trị giao dịch toàn thị trường là 28.322 tỷ đồng, giảm 12% so với phiên liền trước. Dòng tiền tăng vào nhóm bất động sản, thực phẩm & đồ uống, xây dựng & vật liệu, trong khi giảm ở nhóm ngân hàng, chứng khoán và bán lẻ.
Nhìn chung, diễn biến phiên hôm qua cân bằng giữa bên mua và bán, khi số mã tăng điểm (565) và số mã giảm (501) không chênh lệch quá lớn. Sự phân hóa diễn ra rộng khắp thị trường, khi không có nhóm ngành nào tăng/giảm thật sự vượt trội, mà thay vào đó là xanh/đỏ đan xen.
Nhóm VN30 giảm mạnh hơn khi mất gần 9 điểm với VPB, SSI, STB giảm mạnh nhất, mất trên 2%, ở chiều ngược lại SAB, PDR và PLX là bên đóng góp tích cực nhất cho chỉ số.
Khối ngoại hôm nay tiếp tục mạnh tay bán ròng với giá trị gần 730 tỷ đồng, trải rộng khắp nhiều mã. Tương tự, khối tự doanh và tổ chức trong nước cũng đảo chiều rút vốn khỏi thị trường phiên điều chỉnh, bất chấp những nỗ lực gồng đỡ của nhà đầu tư cá nhân.
Tự doanh tập trung bán ròng CTD, MBB, CTG
Thống kê giao dịch của bộ phận tự doanh công ty chứng khoán, họ mua vào 210,8 tỷ trong khi bán ra 281 tỷ đồng, theo đó giá trị bán ròng ghi nhận hơn 70 tỷ đồng. Nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ rút ròng 58,6 tỷ đồng.
Cụ thể, khối tự doanh công ty chứng khoán gom ròng 7/18 ngành. Trong đó, nhóm mua ròng mạnh nhất là là dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin. Top mua ròng của tự doanh phiên ngày hôm qua gồm FUEVFVND, FPT, E1VFVN30, TCB, MWG, VCB, NVL, HDB, VJC, PNJ.
Với lực bán chiếm ưu thế, khối tự doanh rút vốn khỏi 11/18 ngành còn lại, trong đó cổ phiếu xây dựng và vật liệu chịu áp lực bán mạnh nhất. Top các mã bị bán ròng gồm CTD, MBB, CTG, REE, SZC, DPG, VPB, STB, VIC, VHM.
Tổ chức nội chuyển bán ròng hơn 730 tỷ đồng
Giao dịch cùng chiều tự doanh, NĐT tổ chức trong nước đảo chiều bán ròng sau phiên mua ròng trước đó. Cụ thể, khối này xả ròng 735,2 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 667,4 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức nội bán ròng 13/18 ngành, giá trị lớn nhất là nhóm bất động sản. Top10 cổ phiếu bị khối này bán ròng có KBC, MSN, PTL, CTG, DXG, HPG, SSI, VCB, VHM, FLC.
Ở chiều ngược lại, tổ chức trong nước gom mạnh nhất cổ phiếu du lịch và giải trí. Top mua ròng có SSB, HSG, VSC, VJC, HCM, MBB, HAH, SAB, OCB, BID.
NĐT cá nhân là bên duy nhất xuống tiền
Về phía NĐT cá nhân, giao dịch khối này tiếp tục duy trì vai trò nâng đỡ trong phiên VN-Index mất đà trong những phút cuối. Thống kê giao dịch cụ thể, cá nhân trong nước mua ròng 1.543 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng khớp lệnh 1.474 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 13/18 ngành, chủ yếu là cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã DXG, HPG, MSN, KBC, SSI, CTG, NLG, PTL, CII, VCB.
Bên phía bán ròng khớp lệnh, họ rút vốn khỏi 5/18 ngành còn lại, chủ yếu là nhóm hàng cá nhân & gia dụng, công nghệ thông tin. Top bán ròng có SSB, VND, HSG, VCI, NKG, VNM, VSC, DXS, GDT.
Nước ngoài chủ yếu bán ròng đối ứng với cá nhân trong nước
Khối ngoại hôm qua duy trì vị thế bán ròng với giá trị 730,4 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ xả ròng 748,1 tỷ đồng.
Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm hàng cá nhân & gia dụng, bán lẻ. Top mua ròng khớp lệnh của NĐT ngoại gồm các mã: VND, VCI, HSG, NKG, VNM, DGC, OCB, VRE, GDT, MSH.
Phía bên bán ròng khớp lệnh của nước ngoài, khối ngoại chủ yếu xả cổ phiếu bất động sản. Top bán ròng khớp lệnh của nhóm này gồm các mã: DXG, HPG, MSN, KBC, CII, SSI, FUEVFVND, HCM, GAS.