Dòng tiền thông minh 28/9: Tự doanh bán ròng gần 200 tỷ đồng phiên VN-Index bay hơn 26 điểm
Sau một tuần giao dịch giằng co và gần như đi ngang, VN-Index mở cửa tuần giao dịch mới với xu hướng tương tự trong phiên giao dịch buổi sáng. Tưởng chừng xu hướng giằng co tiếp tục được duy trì, tuy nhiên có vẻ nhà đầu tư đã dứt khoát hơn và đẩy mạnh lệnh bán khiến VN-Index lao dốc vào phiên chiều, kèm theo sự sụt giảm mạnh trên toàn sàn.
Chốt phiên, VN-Index dừng chân tại 1.325 điểm, giảm 26,1 điểm, tương ứng 1,9% so với phiên giao dịch ngày hôm trước. Độ rộng thị trường thu hẹp với 48 cổ phiếu tăng điểm, 376 cổ phiếu giảm điểm. Dòng tiền đầu tư tiếp tục suy giảm khi chỉ có 3/19 nhóm ngành vận động khả quan so với phiên trước.
Theo quan sát, dòng tiền tiếp tục tăng vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30, nhưng giảm ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.
Về thanh khoản, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 26.714 tỷ đồng, tăng 15,7% so với phiên thứ Sáu tuần trước. Trong đó, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 21.538 tỷ đồng. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm chứng khoán, thực phẩm & đồ uống, thép, trong khi giảm ở nhóm ngân hàng, hàng & Dịch vụ công nghiệp, hóa chất.
Thị trường nhìn chung vẫn chưa thoát khỏi áp lực bán ròng của khối ngoại, dù vừa có phiên mua ròng nhẹ cuối tuần trước. Bên cạnh đó, tự doanh cũng duy trì vị thế rút ròng bất chấp nỗ lực gồng đỡ của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước.
Tự doanh bán ròng gần 200 tỷ đồng
Trong phiên vừa qua, khối tự doanh công ty chứng khoán bán ròng 199,3 tỷ đồng. Tuy nhiên nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 0,2 tỷ đồng. Như vậy bộ phận tự doanh đã có phiên rút vốn khỏi thị trường thứ hai liên tiếp.
Thống kê giao dịch theo nhóm ngành, khối tự doanh mua ròng 7/18 ngành. Trong đó, hai nhóm được mua ròng mạnh nhất là dịch vụ tài chính (32,2 tỷ đồng) và bán lẻ (20,2 tỷ đồng). Top10 cổ phiếu được bộ phận tự doanh mua ròng phiên hôm qua gồm E1VFVN30, MWG, MSN, FPT, NLG, VND, BMI, CII, HT1, ITA.
Chiều ngược lại, dòng tiền tự doanh chủ yếu rút khỏi nhóm tài nguyên cơ bản, với đại diện là nhóm thép. Top cổ phiếu bị bán ròng gồm GEX, VHM, VPB, HPG, TCB, VNM, MBB, NT2, VIC và KBC.
Tổ chức trong nước chuyển mua ròng
Giao dịch trái chiều với khối tự doanh, NĐT tổ chức trong nước mua ròng gần 138 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ gom ròng 88,2 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 10/18 ngành với giá trị lớn nhất là nhóm dịch vụ tài chính. Top bán ròng có HCM, VPB, SSI, VJC, CTG, SBT, PNJ, HAH, PVD và FLC.
Trong khi đó, tổ chức trong nước chủ yếu mua ròng cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc. Top các mã được khối này mua ròng có VHM, MWG, VNM, ACB, VHC, HPG, PAN, IJC, HSG, NLG.
Cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng hơn 320 tỷ đồng
Thống kê giao dịch của NĐT cá nhân, họ tiếp đà mua ròng 324,1 tỷ đồng, trong đó họ gom ròng khớp lện 183,4 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, nhóm này mua ròng 10/18 ngành, chủ yếu là ngành dịch vụ tài chính. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã HPG, VIC, SSI, VND, VPB, DGC, VCI, HCM, NVL, CTG.
Bên phía bán ròng khớp lệnh, cá nhân trong nước rút ròng 8/18 ngành còn lại với lực xả chủ yếu đặt nhóm ngành bất động sản (149,3 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (105,5 tỷ đồng). Top bán ròng có VHM, VNM, MWG, VHC, VRE, KBC, HDB, ACB, GMD.
Khối ngoại bán ròng mạnh nhóm chứng khoán
Về phía NĐT nước ngoài, nhóm này chuyển hướng bán ròng 248,2 tỷ đồng sau phiên gom hàng trước đó. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ rút ròng 271,9 tỷ đồng.
Diễn biến theo nhóm ngành, áp lực chốt lời của khối ngoại chủ yếu đặt tại nhóm dịch vụ tài chính (184,6 tỷ đồng) với đại diện là nhóm chứng khoán. Thống kê cho thấy phiên vừa qua, trong số 32 cổ phiếu ngành chứng khoán đang giao dịch ở cả ba sàn, chỉ có 3 cổ phiếu PHS, CSI, VIG còn tăng điểm trong khi đó có tới 5 cổ phiếu giảm sàn là APG, FTS, HBS, PSI, WSS.
Các cổ phiếu lớn như SSI, HCM, VCI, VND, SHS đều giảm trên 4%. Điều này cho thấy áp lực bán ra của nhóm này lớn đặc biệt trước thời hạn chốt margin hàng quý vào cuối tháng.
Trở lại với giao dịch khối ngoại, Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: HPG, VIC, VND, VCI, SSI, MSN, NVL, E1VFVN30, HSG.
Trong khi đó, dòng tiền của NĐT ngoại tập trung tìm đến nhóm thực phẩm & đồ uống (76,8 tỷ đồng) và ngân hàng (48,8 tỷ đồng). Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: VNM, VRE, STB, KBC, VHC, VJC, HDB, GMD, DXS, DXG.