Những cổ phiếu nào kéo tụt VN-Index trong phiên đầu tuần đỏ lửa?
Lực bán gia tăng từ cuối phiên sáng và tiếp tục lên cao trong buổi chiều khiến các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam đồng loạt lao dốc rồi đóng cửa ở mức điểm thấp nhất phiên đầu tuần 27/9.
VN-Index sụt 1,94% còn 1.325 điểm; VN30-Index mất 1,42%. HNX-Index và UPCoM-Index giảm lần lượt 1,84% và 2,36%.
Trong rổ VN30 có tới 24 mã giảm và chi hai cổ phiếu tăng giá là VJC của Vietjet và PLX của Petrolimex. Nhóm vốn hóa trung bình - thấp chịu áp lực bán mạnh hơn, thể hiện qua việc VN-Midcap và VN-Smallcap Index giảm lần lượt 3,4% và 3,6%.
Theo VNDirect, cả sàn HOSE chỉ có 48 mã tăng nhưng tới 376 mã đóng cửa dưới tham chiếu, trong đó có 48 mã sàn. Toàn thị trường ghi nhận tới 109 cổ phiếu giảm kịch biên độ.
Tác động tiêu cực nhất tới VN-Index phiên hôm nay là cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan khi mã này giảm tới 5,2%, sâu nhất rổ VN30. Đây cũng là phiên đi xuống thứ 3 liên tiếp của cổ phiếu tập đoàn sở hữu chuỗi siêu thị VinMart.
Mới đây, nhóm cổ đông liên quan đến Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang đã mua vào hơn 2 triệu cổ phiếu MSN, nâng tỷ lệ sở hữu lên 50,65%.
Một cổ phiếu bán lẻ khác là MWG của Thế Giới Di Động hôm nay cũng mất tới 3,4%, kết phiên ở 126.000 đồng/cp. Hôm nay là ngày 237,63 triệu đơn vị MWG về đến tài khoản của nhà đầu tư và có thể bắt đầu được giao dịch. Đây là số cổ phiếu mà Thế Giới Di Động phát hành để trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 50%.
Hiện nay Thế Giới Di Động có khoảng 713 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tương ứng với vốn điều lệ hơn 7.100 tỷ đồng.
Các cổ phiếu họ Vingroup (VHM, VIC, VRE), họ bank (TCB, VCB, CTG, VIB, ...), ngành chứng khoán (SSI, VCI, VND, SHS, ...) đều đồng loạt lao dốc, tác động tiêu cực tới chỉ số thị trường.
Toàn bộ 27 cổ phiếu ngân hàng không có mã nào tăng, chỉ có hai mã đi ngang là VPB và HDB. Nhiều cổ phiếu CTCK giảm kịch sàn như APG, FTS, PSI, ...
Thị trường chứng khoán Việt Nam đi xuống dù không xuất hiện thông tin tiêu cực nào đáng kể. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp tục nới lỏng biện pháp phòng dịch, cho phép thêm một số hoạt động kinh tế được nối lại.
Ở nước ngoài, cuộc khủng hoảng Evergrande bước vào giai đoạn chờ đợi khi tập đoàn này có 30 ngày ân hạn để thanh toán lãi trái phiếu USD đến hạn hôm 23/9.
Chứng khoán SSI cho biết mặc dù VN-Index giảm điểm khá mạnh phiên hôm nay nhưng chỉ số vẫn nằm trên đường xu hướng ngắn hạn bắt đầu hình thành từ ngày 20/7 cho đến nay (cạnh dưới của tam giác cân). Chỉ số đang được hỗ trợ tại vùng 1.330 - 1.300 điểm, đà giảm của chỉ số có thể chậm lại từ vùng này.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết nhịp giảm của chỉ số dừng lại ở mức 1.325 điểm và gần hỗ trợ 1.320 điểm. Thanh khoản tăng nhẹ so với phiên trước và trên trung bình 50 phiên, cho thấy dòng tiền đang thận trọng và áp lực bán đang gia tăng.
Hiện tại chưa có tín hiệu hỗ trợ rõ ràng nhưng vùng 1.320 - 1.325 điểm vẫn đang là vùng hỗ trợ ngắn hạn cho chỉ số, nên có khả năng VN-Index sẽ được hỗ trợ và có động thái hồi phục kỹ thuật để kiểm tra lại cung cầu.
Do vậy, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư tạm thời nên cẩn trọng và quan sát nhịp kiểm tra cung cầu của thị trường. Đồng thời nhà đầu tư cũng nên cơ cấu danh mục hợp lý theo hướng giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là tại những cổ phiếu đang có diễn biến kém, để bảo toàn thành quả.