|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 22/9: Tự doanh và NĐT cá nhân xuống tiền mua vào phiên rung lắc mạnh

07:00 | 22/09/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index đánh mất mốc 1.350 điểm, hoạt động mua ròng của bộ phận tự doanh công ty chứng khoán và nhà đầu tư cá nhân trở thành điểm sáng của thị trường, trong khi tổ chức trong nước và khối ngoại là hai bên rút vốn với tổng giá trị gần 530 tỷ đồng.

VN-Index chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường chứng khoán thế giới

Thông tin về rủi ro phá sản của Tập đoàn bất động sản Trung Quốc - Evergrande đã khiến thị trường chứng khoán châu Á đỏ lửa khi Hang Seng Index và Nikkei 225 phiên đã giảm lần lượt là 3,2% và 1,9%, thêm vào đó Dow jones và S&P500 mất 1,7% vào rạng sáng hôm qua (21/9).

Chính những yếu tố này khiến nhà đầu tư lo lắng khiến VN-Index mở cửa và rơi ngay 15 điểm. Diễn biến trong phiên, tâm lý lo sợ có thời điểm lên cao đẩy chỉ số sàn HOSE rơi về 1.324 điểm và rồi từ đây, lực cầu bắt đáy xuất hiện nhiều và kéo VN-Index phục hồi hơn 20 điểm trong ngày.

Chốt phiên, VN-Index đóng cửa tại 1.339,8 điểm, giảm 10,6 điểm, tương ứng 0,8% so với phiên trước. Giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 23.264 tỷ đồng, giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt 29.586 tỷ đồng, giảm 5,3% so với phiên liền trước. Độ rộng thị trường thu hẹp với 136 cổ phiếu tăng, 275 cổ phiếu giảm.

Đáng chú nhất trong phiên hôm nay là nhóm dầu khí và hóa chất khi từ vùng giá đỏ trong ngày đã bật tăng và đóng cửa trong sắc xanh tăng điểm mạnh, thậm chí tăng trần như CSV, DGC, PVD. Tương tự nhóm vật liệu xây dựng cũng ngược dòng thị trường như NKG, HSG, VCS, BCC, BTS và LCG kết phiên trong tăng điểm.

Đáng chú ý với nhóm bất động sản khi nhóm bluechips như VHM, VRE, VIC, PDR, giảm sâu thì một số cổ phiếu penny và midcap lại tăng trần như DRH, HDC và HDG.

Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm bất động sản, chứng khoán, hóa chất, giảm ở nhóm ngân hàng, thép, thực phẩm và đồ uống.

Trong phiên VN-Index đánh mất mốc 1.350 điểm, hoạt động mua ròng của bộ phận tự doanh công ty chứng khoán và nhà đầu tư cá nhân trở thành điểm sáng của thị trường, trong khi tổ chức trong nước và khối ngoại là hai bên rút vốn với tổng giá trị gần 530 tỷ đồng.

Dòng tiền thông minh 22/9: Hoạt động mua ròng của tự doanh và NĐT cá nhân giúp VN-Index không rơi sâu - Ảnh 1.

Thống kê giao dịch của các bên tham gia thị trường. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ Fiinpro).

Tự doanh nâng quy mô mua ròng lên gần 240 tỷ đồng

Thống kê giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán, nhóm này giải ngân 557 tỷ đồng đồng thời bán ra 320 tỷ đồng, theo đó giá trị vào ròng ghi nhận 237 tỷ đồng. Nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì khối này gom ròng 271,5 tỷ đồng.

Mặc dù bộ phận tự doanh đã duy trì vị thế mua ròng 11 phiên liên tiếp, nhưng giá trị đã tăng đáng kể so với con số 27,8 tỷ đồng phiên trước. Cụ thể, tự doanh rót vốn vào 8/18 ngành, trong đó nhóm được mua ròng mạnh nhất là dịch vụ tài chính (222 tỷ đồng).

Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh phiên ngày hôm qua gồm FUEVFVND, E1VFVN30, HDG, TCB, MSN, HPG, VNM, BVH, REE và STB. Nổi bật trong danh mục mua ròng vẫn là chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị 161,9 tỷ đồng.

Ngược lại, cổ phiếu ngành bán lẻ chịu áp lực bán lớn nhất từ tự doanh. Top các mã bị bán ròng gồm FUESSVFL, VHM, MWG, CDC, VPB, MBB, FPT, PLP, PNJ và BID.

Dòng tiền thông minh 22/9: Hoạt động mua ròng của tự doanh và NĐT cá nhân giúp VN-Index không rơi sâu - Ảnh 2.

Top10 mã khối tự doanh mua/bán ròng phiên 21/9. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tổ chức trong nước tập trung xả cổ phiếu ngành thép

Giao dịch trái chiều khối tự doanh, NĐT tổ chức trong nước bán ròng 158,3 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 152,6 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức nội bán ròng 8/18 ngành với áp lực rút vốn chủ yếu đặt tại nhóm tài nguyên cơ bản. Top10 cổ phiếu bị nhóm này rút ròng có HPG, MSN, PPC, GAS, VCB, STB, MWG, GVR, SCR, VIB.

Trong khi đó, các tổ chức trong nước gom mạnh nhất cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính. Top mua ròng có SSB, PAN, VHM, TCB, SSI, HDG, VND, NT2, TPB, BID.

NĐT cá nhân trở lại xuống tiền phiên thị trường điều chỉnh

Về phía NĐT cá nhân, họ trở lại mua ròng với giá trị 369,9 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng 234,4 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 11/18 ngành, chủ yếu là ngành tài nguyên cơ bản. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã HPG, VIC, DGC, NLG, MSN, MWG, VRE, PPC, STB, NVL.

Bên phía bán ròng khớp lệnh, họ bán ròng 7/18 ngành còn lại, chủ yếu là ngành thực phẩm và đồ uống, ngân hàng. Top bán ròng có VHM, VNM, HSG, HDG, TCB, KBC, PAN, VHC, NKG.

NĐT ngoại chuyển bán ròng, tập trung nhóm chứng khoán

Sau phiên mua ròng nhẹ, khối ngoại đảo vị thế bán ròng 370,2 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ rút ròng 353,2 tỷ đồng.

Lực mua ròng khớp lệnh chính của NĐT nước ngoài là nhóm thực phẩm và đồ uống, ngân hàng. Top10 cổ phiếu thu hút dòng tiền ngoại gồm VHM, VNM, HSG, KBC, VHC, MBB, NKG, DXG, VCB, LCG.

Phía bên bán ròng khớp lệnh, khối ngoại chưa dừng xả cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành dịch vụ tài chính. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm FUEVFVND, HPG, VIC, E1VFVN30, DGC, VRE, BMI, NVL, MSN.

Thu Thảo