|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 17/5: NĐT cá nhân bán ròng gần 250 tỷ đồng phiên VN-Index hồi phục bất thành

07:00 | 17/05/2022
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index hồi phục bất thành, NĐT cá nhân giảm quy mô rút vốn còn gần 250 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng khớp lệnh là 182 tỷ đồng.

Sau tuần giảm điểm kỷ lục, thị trường chứng khoán Việt Nam có một màn mở đầu tuần mới với mức tăng tương đối khởi sắc. Tuy nhiên, đối diện với ngưỡng cản 1.210 điểm, áp lực bán dâng cao khiến chỉ số quay đầu và tiếp tục hành trình dò tìm đáy mới. Kết phiên, VN-Index giảm 10,82 điểm, tương đương 0,91% và đóng cửa tại 1.171,95 điểm.

Thanh khoản giảm so với phiên trước với 551,4 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn HOSE. Tương tự, các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng chịu sức ép bán ra và khiến VN30-Index kết phiên giảm 8,68 điểm, tương đương 0,71%.

Dù vậy, sắc xanh vẫn là màu sắc chủ đảo của nhóm VN30 với 16 cổ phiếu đóng cửa tăng giá và 11 cổ phiếu giảm giá. Dẫn đầu nhóm tăng giá là SSI (+5,8%), kế đến PLX (+4,7%), VRE (+3,85), TPB (+3,3%), CTG (+2,7%)… Ngược lại, nhóm đã ngăn chặn đà tăng của chỉ số như MSN và STB đóng cửa giảm hết biên độ, theo sau là BVH (-5,5%), GAS (-5%), TCB (-3,6%)…

Nhìn chung hầu hết các nhóm ngành đều có diễn biến tích cực vào đầu phiên, nhưng lại bị thu hẹp đáng kể đà tăng ngay sau đó như bảo hiểm, bán lẻ, xây dựng… Bên cạnh đó, diễn biến tiêu cực suốt cả phiên của họ thủy sản và vận tải biển cũng phần nào củng cố thêm cho sự suy yếu của thị trường. Điểm sáng trong phiên hôm nay thuộc về nhóm chứng khoán và dầu khí khi ngược dòng tăng điểm.

Thống kê giao dịch của các bên tham gia thị trường. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tổ chức nội bán ròng nhẹ, TCB và STB là tâm điểm rút vốn

Trong phiên giao dịch đầu tuần, NĐT tổ chức trong nước (bao gồm khối tự doanh công ty chứng khoán) mua bán cân bằng với cán cân giao dịch nghiêng nhẹ về bên bán, theo đó họ bán ròng nhẹ 7 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh thì họ rút ròng 75 tỷ đồng.   

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 9/18 ngành, giá trị lớn nhất là nhóm bất động sản. Top bán ròng có TCB, STB, DXG, FUEVFVND, VHM, VNM, HAH, POW, SHB, PLX.

Trong khi đó, dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành thép. Top mua ròng có HSG, MWG, VCB, ACB, VHC, DGC, BID, TDM, VRE, DPM.

  Top5 mã tổ chức trong nước mua/bán ròng phiên 16/5. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Cá nhân trong nước bán ròng gần 250 tỷ đồng phiên VN-Index hồi phục bất thành

Trong phiên VN-Index hồi phục bất thành, NĐT cá nhân giảm quy mô rút vốn còn gần 250 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng khớp lệnh là 182 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 6/18 ngành, chủ yếu là ngành bất động sản. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã STB, SSI, TCB, VHM, DXG, GAS, HAH, VNM, KDH, POW.

Bên phía bán ròng khớp lệnh, cá nhân trong nước bán ròng 12/18 ngành chủ yếu là nhóm tài nguyên cơ bản, hóa chất. Top bán ròng có: HSG, HPG, CTG, VHC, MWG, VRE, DPM, DGC, VCI.

Top10 mã NĐT cá nhân mua/bán ròng phiên 16/5. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Khối ngoại là bên mua ròng duy nhất

Về phía NĐT nước ngoài, họ duy trì mua ròng 257 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 257,4 tỷ đồng.

Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm tài nguyên cơ bản, hàng & dịch vụ công nghiệp. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: CTG, HPG, VCI, NLG, FUEVFVND, E1VFVN30, VRE, PVT, GMD, DPM.            

Trong khi đó, dòng tiền ngoại chủ yếu rút khỏi nhóm điện, nước & xăng dầu khí đốt. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã SSI, STB, VHM, GAS, VCB, VGC, PC1, CRE, DXG.

Theo thống kê của FiinTrade, nhóm cổ phiếu dầu khí ghi nhận giá trị giao dịch giảm 10% với trung bình 5 phiên liền trước, chỉ số giá ngành tăng 3,84% do áp lực bán đã giảm. Các cổ phiếu giao dịch mạnh nhất là PVS, PVD, BSR, PLX, PVC trong đó 2 mã tăng trần. Đây là nhóm cổ phiếu điều chỉnh sớm nhất và bị giảm điểm mạnh trong vòng một tháng gần đây, trừ PLX, các cổ phiếu còn lại giảm trên 20%.

Chỉ số dòng tiền tích lũy của họ "P" đang ở vùng thấp nhất trong vòng 1 năm và đang tạo phân kỳ với chỉ số giá. Chỉ số dòng tiền trong mối tương quan với thanh khoản toàn thị trường đã thoát đáy 1 năm. Điều này cho thấy dòng tiền vào nhóm này mạnh hơn so với thị trường.

Thu Thảo

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.