|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 16/7: Tự doanh đẩy mạnh bán ròng phiên VN-Index hồi phục, chưa dừng xả HPG

08:23 | 16/07/2021
Chia sẻ
Chuyển động dòng tiền phiên đáo hạn HĐTL tháng 7 đang hướng về bộ ba ngân hàng, chứng khoán và thép; trong khi đó ngành bất động sản có xu hướng bị rút ròng. Cổ phiếu HPG tiếp tục dẫn đầu chiều bán ròng của khối tự doanh với gần 77 tỷ đồng.

Đi ngược với dự báo của nhiều công ty chứng khoán trong phiên đáo hạn phái sinh, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên hồi phục ấn tượng dù lượng bắt đáy kỷ lục về tài khoản trong ngày hôm qua (15/7).

Vùng giá thấp thu hút lực cầu giúp chỉ số kết phiên trong sắc xanh. Cụ thể, VN-Index tăng 1,09% đóng cửa ở mức 1.293,92 điểm. Độ rộng thị trường cải thiện so với phiên trước với tỷ lệ cổ phiếu tăng/giảm là 287/82.

Tuy VN-Index ghi nhận tăng điểm nhưng thanh khoản khớp lệnh lại có phần tụt giảm khi chỉ ghi nhận hơn 421 triệu cổ phiếu khớp lệnh tương ứng mức giảm gần 20% so với phiên trước đó. Tổng giá trị giao dịch trên HOSE đạt 14.802 tỷ đồng trong khi giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 18.174 tỷ đồng.

Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tại nhóm ngân hàng và thép tiếp tục tăng, dòng cổ phiếu chứng khoán cũng trở lại hút tiền mạnh mẽ trong phiên. Ở chiều ngược lại, dòng tiền vào bất động sản, hóa chất, xây dựng và vật liệu giảm.

Tự doanh tiếp đà bán ròng 750 tỷ đồng, chưa dừng xả HPG

Thống kê giao dịch của các bên tham gia thị trường, khối tự doanh tiếp đà bán ròng 750 tỷ đồng trong phiên VN-Index hồi phục, trong đó họ bán ròng 752 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Đây cũng là ngày bán ròng mạnh nhất của nhóm này trong 20 phiên gần đây. 

Khối tự doanh gần như không mua ròng theo ngành phiên hôm qua khi họ chỉ gom ròng duy nhất nhóm hàng cá nhân & gia dụng với giá trị 2,7 tỷ đồng. Top mua ròng của tự doanh gồm NLG, ACB, PNJ, GMD, PET, FUESSVFL, VIB, DBC, LPB, MSB với giá trị chưa đến 10 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu HPG dẫn đầu chiều bán ròng với giá trị 76,9 tỷ đồng. Theo đó khối tự doanh đã rút ròng gần 300 tỷ đồng cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát trong 4 phiên liên tiếp, sau khi mua ròng gần 70 tỷ đồng trong phiên cuối tuần trước (9/7).

Cùng với đó, nhóm này còn bán ròng chủ yếu nhóm ngân hàng. Thống kê trong top 10 mã bị bán ròng mạnh nhất phiên 15/7, có tới 5 đại diện thuộc nhóm ngân hàng, lần lượt là TCB (71,8 tỷ đồng), VPB (54 tỷ đồng), STB (40,8 tỷ đồng), MBB (33,3 tỷ đồng), VCB (30,4 tỷ đồng).

Dòng tiền từ khối tự doanh cũng rút khỏi các bluechips như VNM (62,6 tỷ đồng), VIC (43,7 tỷ đồng), FPT (34,4 tỷ đồng), NVL (30 tỷ đồng).

Dòng tiền thông minh 16/7: Tự doanh đẩy mạnh bán ròng phiên VN-Index hồi phục, chưa dừng xả HPG - Ảnh 1.

(Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tổ chức nội chuyển bán ròng gần 570 tỷ đồng phiên đáo hạn phái sinh

Cùng chiều tự doanh, nhà đầu tư tổ chức trong nước bán ròng 569 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 633 tỷ đồng.

Trong đó, tổ chức nội mua ròng 7/18 ngành, tập trung nhóm du lịch và giải trí. Top mua ròng của nhóm nhà đầu tư này có VJC, FUEVFNVD, HSG, SBT, HCM, FCN, PLX, IJC, HAH, POW.

Bên phía bán ròng, dòng tiền rút khỏi 11/18 ngành còn lại, trong đó chủ yếu xả cổ phiếu ngân hàng, bất động sản. Top cổ phiếu bị khối này rút vốn gồm STB, TCB, VPB, VIC, HPG, FPT, CTG, NVL, MSN, VCB.

NĐT cá nhân mua ròng hơn 580 tỷ đồng

Không còn duy trì vị thế bán ròng phiên trước đó, NĐT cá nhân đã trở lại gom ròng 581 tỷ đồng trong phiên thị trường hồi phục, trong đó mua ròng khớp lệnh là 653 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 10/18 ngành, tập trung nhóm ngân hàng, bất động sản. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập gồm STB, TCB, VIC, VPB, FPT, VCB, VJC, KDH, VRE, PDR.

Trong khi đó, nhóm này bán ròng 8/18 còn lại, chủ yếu là ngành tài nguyên cơ bản, dịch vụ tài chính. Chiều bán ròng có SSI, HPG, GEX, HSG, VNM, ,SBT, PC1, PLX, PVT. Top mua bán ròng của nhà đầu tư cá nhân chủ yếu là đối ứng với nước ngoài. Tuy nhiên họ cũng mua bán đối ứng với tổ chức trong nước và tự doanh.

NĐT nước ngoài mua ròng trở lại cổ phiếu ngân hàng

Tương tự nhóm nhà đầu tư cá nhân, khối ngoại tiếp tục gom ròng 744 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 732 tỷ đồng.

Lực mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm tài nguyên cơ bản, ngân hàng và dịch vụ tài chính. Như vậy là đã có sự thay đổi về vị thế của nước ngoài ở ngành ngân hàng, họ đã chuyển từ bán ròng mạnh sang mua ròng.

Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã HPG, SSI, STB, VNM, GEX, MBB, NVL, CTG, MSN.

Đáng chú ý, cổ phiếu HPG được mua ròng 6/7 phiên liên tiếp với giá trị giải ngân luôn đứng top đầu. Đây là sự thay đổi vị thế đáng chú ý của nhà đầu tư nước ngoài sau khi họ bán ròng mạnh hai tháng gần đây.

Tương tự, mã SSI cũng được nhà đầu tư nước ngoài xuống tiền 5 phiên liên tiếp, đưa tổng giá trị vào ròng  ủa mã này trong tháng 7 lên 504 tỷ đồng, đánh dấu mức mua ròng mạnh nhất kể từ tháng 7/2015 theo tháng.

Bên phía bán ròng khớp lệnh, nhà đầu tư ngoại bán nhiều nhất cổ phiếu bất động sản. Top bán ròng theo thứ tự các mã sau VIC, VJC, KDH, VRE, PDR, VPB, VCI, BVH, TCH, SAB.

Thu Thảo

Thủ tướng giao nhiệm vụ vận động Mỹ sớm công nhận kinh tế thị trường của Việt Nam cho ngành ngoại giao
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các Đại sứ, Trưởng cơ quan Việt Nam tại nước ngoài vận động Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi nhóm hạn chế xuất khẩu về công nghệ và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường