|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 15/9: Tự doanh tập trung bán VHM trước ngày chốt quyền nhận cổ tức

07:13 | 15/09/2021
Chia sẻ
Giao dịch rút vốn VHM của khối tự doanh diễn ra khá sôi động ngay trước ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức năm 2020 bằng tiền và cổ phiếu với tỷ lệ 45%. Điều này cho thấy bộ phận tự doanh CTCK dường như muốn né tránh việc điều chỉnh giá cổ phiếu trong đợt trả cổ tức lần này của Vinhomes.

VN-Index mở cửa phiên thứ Ba (14/9) trong sắc xanh, đồng pha với xu hướng tích cực của thị trường chứng khoán Mỹ đêm hôm trước. Lực cầu chủ yếu dồn tại các cổ phiếu trụ như SAB, VHM, GAS, … khiến chỉ số dễ dàng áp sát mốc 1.350 điểm.

Tuy nhiên áp lực chốt lời gia tăng nhanh chóng từ sau 10h30 khiến chỉ số chung lao dốc và chỉ dao động quanh ngưỡng 1.340 điểm với biên độ hẹp điểm tới hết phiên chiều mà không ghi nhận nhịp tăng hay giảm mạnh nào.

Kết phiên, VN-Index giảm 1,73 điểm (0,13%) đóng cửa ở mức 1.339,7 điểm. Độ rộng thị trường thu hẹp với tỷ lệ số cổ phiếu tăng/giảm là 168/234. Dòng tiền đầu tư co cụm vào một số ngành nhất định khi chỉ có 6/19 nhóm ngành tăng điểm so với phiên trước.

Giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 19.463 tỷ đồng, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 24.608 tỷ đồng, giảm 15,2% so với phiên liền trước. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm bất động sản, ngân hàng, công nghệ thông tin, trong khi giảm ở nhóm dầu khí, chứng khoán, hàng & dịch vụ công nghiệp.

Khối lượng giao dịch ở nhóm bất động sản vẫn đứng đầu, ngành hàng không tiếp tục khởi sắc, còn thực phẩm và công nghệ bật tăng.

Trong phiên VN-Index dao động trong biên độ hẹp, vị thế giao dịch của các bên tham gia thị trường cũng không có gì thay đổi so với phiên đầu tuần, với áp lực bán ra đến từ NĐT cá nhân và khối ngoại, trong khi tự doanh và tổ chức trong nước là hai nhóm xuống tiền nâng đỡ thị trường.

Dòng tiền thông minh 15/9: - Ảnh 1.

Thống kê giao dịch của các bên tham gia thị trường. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ Fiinpro).

Tự doanh tiếp đà mua ròng gần 130 tỷ đồng

Thống kê giao dịch của khổi tự doanh công ty chứng khoán, khối này mua ròng 128,1 tỷ đồng với lực gom ròng là 129,1 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Như vậy, tự doanh đã có chuỗi mua ròng 6 phiên liên tiếp kể từ phiên 7/9.

Giao dịch theo nhóm ngành, khối tự doanh mua ròng 11/18 ngành với giá trị lớn nhất đặt tại nhóm ngân hàng và thực phẩm, đồ uống. Top mua ròng khớp lệnh của nhóm này phiên ngày hôm qua gồm VPB, MSN, NVL, HPG, MWG, VRE, E1VFVN30, FUEVFVND, PNJ và MBB.

Trong khi đó, bộ phận tự doanh chủ yếu xả nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp. Top cổ phiếu bị khối này bán ròng gồm VHM, VND, NKG, BCG, STB, PVT, GMD, ACB, REE, FPT. Giao dịch rút vốn tại VHM khá sôi động ngay trước ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức năm 2020 bằng tiền và cổ phiếu với tỷ lệ 45%.

Theo thông báo từ Vinhomes, ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2020 là ngày 16/9. Như vậy, ngày giao dịch không hưởng quyền tương ứng là ngày hôm nay (15/6). Thống kê của Fiinpro cho thấy khối tự doanh mới chuyển hướng bán ròng VHM trong vài phiên gần đây, tuần trước đó mã này dẫn đầu trong danh mục gom ròng của tự doanh với hơn 157 tỷ đồng.

Xu hướng chốt lời cổ phiếu diễn ra ngay trước ngày chốt quyền cho thấy khối tự doanh dường như muốn tránh việc điều chỉnh giá cổ phiếu trong đợt thanh toán cổ tức lần này của Vinhomes.

Dòng tiền thông minh 15/9: - Ảnh 2.

Top10 mã khối tự doanh mua/bán ròng phiên 14/9. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tổ chức trong nước mua ròng phiên thứ hai liên tiếp

Giao dịch cùng chiều với khối tự doanh, NĐT tổ chức trong nước mua ròng 891,7 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ mua ròng 478,8 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 7/18 ngành, trong đó tập trung xả cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc. Top10 mã bị các tổ chức nội bán ròng có NVL, PVT, KBC, VCB, DBC, DPM, HCM, KDC, VIC, VSC.

Ở chiều ngược lại, các tổ chức trong nước chủ yếu gom nhóm tài nguyên cơ bản (230,5 tỷ đồng) và ngân hàng (153,3 tỷ đồng). Top mua ròng có HPG, TPB, FPT, TCB, SSI, MSN, VJC, VPB, PNJ, MWG.

Cá nhân trong nước duy trì bán ròng gần 270 tỷ đồng

Trong phiên vừa qua, NĐT cá nhân bán ròng 265,2 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng khớp lệnh là 179,6 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 8/18 ngành, với lực cầu lớn nhất đặt tại nhóm bất động sản. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã NVL, VHM, HCM, VCB, HDB, CTG, TCH, STB, VRE, MSN.

Bên phía bán ròng khớp lệnh, họ rút vốn khỏi 10/18 ngành còn lại, chủ yếu là nhóm tài nguyên cơ bản, bán lẻ. Top các mã bị NĐT cá nhân bán ròng có TPB, VND, VIC, HPG, DGC, FPT, MWG, MBB, SAB.

NĐT nước ngoài tiếp tục bán ròng, tập trung nhóm tài nguyên cơ bản

Về phía NĐT nước ngoài, nhóm này bán ròng 567,6 tỷ đồng, trong đó rút ròng 428,3 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.

Lực mua ròng khớp lệnh chính của khối ngoại là nhóm hóa chất, hàng & dịch vụ công nghiệp. Top mua ròng khớp lệnh của nhóm này gồm các mã VIC, VND, DGC, SAB, KDH, MBB, VHC, VCI, DIG, VNM.

Trong khi đó, dòng tiền ngoại chủ yếu rút khỏi cổ phiếu nhóm tài nguyên cơ bản. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã HPG, MSN, NVL, VPB, SSI, CTG, STB, HDB, PNJ.

Như vậy, sau khi bán xong VHM thì HPG đã trở thành cổ phiếu được nhóm nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhiều nhất. Trong tuần này, dự kiến ba quỹ ETFs bán ròng tổng cộng hơn 3,3 triệu cổ phiếu HPG (VNM ETF và FTSE ETF mua ròng trong khi Fubon bán ròng).

Thu Thảo