|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 15/9: Dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa

18:58 | 14/09/2021
Chia sẻ
Theo nhận định của công ty chứng khoán, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co trong vùng 1.330 - 1.350 điểm. Đồng thời, dòng tiền có thể phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ vẫn đang thu hút dòng tiền.

Thị trường chứng khoán trong nước điều chỉnh sang phiên thứ hai liên tiếp với cùng kịch bản yếu dần về cuối phiên. Dòng tiền ở nhóm VN30 trong xu hướng giảm ở mức thấp kể từ đầu năm, trong khi đó nhóm smallcap tiếp tục tìm đỉnh cao mới.

Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HOSE giảm còn 18.000 tỷ đồng từ mức 21.672 tỷ đồng ở phiên hôm qua, mức giảm thanh khoản chủ yếu ở nhóm VN30.

Có thể thấy, áp lực bán gia tăng nhanh chóng trên toàn thị trường khi chỉ số không thể vượt qua mốc 1.350 điểm đang cho thấy dòng tiền chưa sẵn sàng nhập cuộc trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ như hiện tại.

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 15/9: Dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa - Ảnh 1.

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. (Nguồn: KBSV).

Dưới đây là nhận định của các công ty chứng khoán ngày 15/9:

Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)

VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co trong vùng 1.330 - 1.350 điểm. Đồng thời, dòng tiền có thể sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ vẫn đang thu hút dòng tiền trong bối cảnh dòng tiền chưa sẵn sàng quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Ngoài ra, chỉ báo tâm lý vẫn duy trì trong vùng lạc quan và rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp cho nên chiến lược thích hợp trong ngắn hạn là nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu hoặc mua mới.

Chứng khoán MB (MBS)

Thị trường vẫn dao động đi ngang nhưng phần lớn cổ phiếu bị thiệt hại, đặc biệt ở nhóm bluechips. Ngược dòng thị trường là nhóm smallcap vẫn đang đi tìm đỉnh cao mới, dòng tiền đầu cơ ở nhóm này vẫn khá sôi động.

Về kỹ thuật, ngưỡng 1.350 điểm cũng là mức hồi về mức cản Fibonacci 61,8% nên thị trường có sự thận trọng. Thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục dao động trong xu hướng đi ngang trong vùng 1.330 - 1.350 điểm. Nhà đầu tư hạn chế lướt sóng, tích lũy cổ phiếu được hưởng lợi từ việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Chứng khoán BIDV (BSC)

Xu hướng giao dịch giằng co tiếp tục trong phiên hôm nay với kết quả điều chỉnh nhẹ vào cuối phiên. Dòng tiền đầu tư co cụm vào một số ngành nhất định khi chỉ có 6/19 nhóm ngành tăng điểm so với phiên trước.

Các ngành hạn chế đà giảm của thị trường là: du lịch giải trí (hàng không), thực phẩm và đồ uống, công nghệ thông tin. Độ rộng thị trường duy trì trạng thái tiêu cực với thanh khoản suy giảm so với phiên trước.

Trong khi đó, khối ngoại bán ròng tại sàn HOSE và mua ròng tại sàn HNX. Thanh khoản suy yếu cùng với việc VN-Index vận động trong biên độ hẹp cho thấy các nhà đầu tư đang giao dịch khá thận trọng khi HĐTL tháng 9 đáo hạn vào ngày 16/9 và các quỹ ETF cơ cấu lại danh mục.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) 

VN-Index trải qua nhịp hồi phục đầu phiên trước khi suy yếu và đảo chiều giảm điểm giằng co về cuối phiên. Thanh khoản có phần gia tăng trong hai phiên giảm điểm, cho thấy áp lực phân phối và rủi ro xuất hiện nhịp điều chỉnh sâu hơn trong các phiên tới.

Mặc dù vậy, tín hiệu phân phối mạnh chưa xuất hiện và cơ hội có thêm nhịp hồi phục sau đó của chỉ số vẫn được duy trì chừng nào điểm đỡ quan trọng quanh 1.315 - 1.325 vẫn được giữ vững.

Nhà đầu tư có thể duy trì vị thế trung hạn và linh hoạt áp dụng chiến lược trading hai chiều cho một phần nhỏ tỷ trọng, mua khi chỉ số giảm về hỗ trợ, bán khi chỉ số tăng chạm kháng cự.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Thu Thảo

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.