Dòng tiền thông minh (11/10): Tự doanh CTCK tiếp tục mua ròng bất chấp khối ngoại bán ròng trăm tỉ đồng phiên giảm điểm
Nhóm ngân hàng phân hóa tạo áp lực giảm điểm lên chỉ số, dòng tiền thông minh đổ về đâu?
Tâm lí nhà đầu tư tiếp tục chịu tác động từ tín hiệu không rõ ràng của cuộc đàm phán Mỹ - Trung ngày hôm qua (10/10). VN-Index có mức tăng khả quan khi lực mua tập trung tại các mã bluechips như GAS, VCB, SAB trong phiên sáng.
Tuy nhiên, đến phiên chiều, sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng như áp lực bán gia tăng tại PLX và HPG đã đẩy chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu.
Kết phiên, VN-Index giảm 0,45 điểm (0,05%) xuống 987,38 điểm; HNX-Index tăng 0,52% lên 105,16 điểm; UPCoM-Index lui về tham chiếu.
Thanh khoản cũng duy trì ở mức thấp trong phiên sáng và tăng vọt trong phiên chiều. Theo đó, khối lượng giao dịch cả phiên đạt 220 triệu đơn vị tương ứng giá trị giao dịch 4.800 tỉ đồng.
Dòng tiền chủ yếu tìm đến nhóm công nghiệp (1.102 tỉ đồng), ngoài ra có nhóm bất động sản (771 tỉ đồng) và nhóm tài chính (672 tỉ đồng).
Tiếp tục mua vào MBB, khối tự doanh duy trì mua ròng gần 11 tỉ đồng phiên hôm qua
Trong phiên giao dịch hôm qua, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán mua ròng 10,5 tỉ đồng với khối lượng 582.040 đơn vị.
Nguồn: Ánh Hường tổng hợp
Đáng chú ý, khối tự doanh tiếp tục tập trung mua vào cổ phiếu MBB (30,38 tỉ đồng). Ngoài ra, cổ phiếu REE là mã còn lại duy nhất ghi nhận giá trị mua trên 10 tỉ đồng trong phiên (14,54 tỉ đồng).
Khối tự doanh mua vào dưới 10 tỉ đồng cổ phiếu FPT (8,32 tỉ đồng), PLX (6,01 tỉ đồng), HPG (5,19 tỉ đồng). Cùng với đó, mã ghi nhận giá trị mua lọt Top10 còn có VHM, HDG, VNM, MSN và MWG.
Diễn biến trái chiều, khối tự doanh bán ra VJC nhiều nhất (22,17 tỉ đồng). Bên cạnh đó, khối này bán HDG (9,39 tỉ đồng), HPG (65,16 tỉ đồng), MBB (4,66 tỉ đồng).
Lọt top bán ra trong phiên hôm qua còn có VNM, MWG và các mã ngân hàng như TCB, VPB, STB. Riêng chứng chỉ quĩ ETF nội E1FVN30 bị khối tự doanh bán ra 6,11 tỉ đồng.
Khối ngoại bán ròng trăm tỉ trên hai sàn, tập trung 'xả' VIC
Thống kê giao dịch khối ngoại phiên hôm qua, trên HOSE, NĐT nước ngoài bán ròng 81,3 tỉ đồng với khối lượng hơn 3 triệu đơn vị. Nổi bật ở chiều bán ròng là cổ phiếu VIC với giá trị (78,24 tỉ đồng), theo sau là VHC (19,08 tỉ đồng), HPG (14,65 tỉ đồng) và POW (10,28 tỉ đồng). Mặt khác, khối ngoại tạo áp lực xả lên cổ phiếu vốn hóa lớn khác như VNM, HDB và NVL.
Tại phía mua ròng, dòng tiền ngoại chủ yếu tìm đến cổ phiếu VCB với 24,84 tỉ đồng, kế đến là VRE (21,3 tỉ đồng), BID (12,68 tỉ đồng), ROS (11,51 tỉ đồng). Một số mã lọt top mua ròng như KBC, CII, chứng chỉ quĩ E1VFVN30.
Sàn HNX ghi nhận giá trị bán ròng 23,1 tỉ đồng với khối lượng hơn 1 triệu đơn vị. Trong đó, khối ngoại tập trung thoái cổ phiếu PVS (18,9 tỉ đồng), NTP (2,9 tỉ đồng). Cùng có giá trị bán ròng như CEO (976 triệu đồng) và PVI (549 triệu đồng). Ngược lại, khối này mua ròng cổ phiếu SHS (606 triệu đồng), TIG (573 triệu đồng).
Tại UPCoM, khối ngoại mua ròng nhẹ 5,4 tỉ đồng nhưng bán ròng khối lượng 271.450 cổ phiếu. Cổ phiếu ACV dẫn đầu chiều mua ròng với (8 tỉ đồng), QNS (2,3 tỉ đồng), BCM (905 triệu đồng), MPC (733 triệu đồng). Trong khi đó, áp lực bán ròng từ khối ngoại lên mã BSR (4 tỉ đồng), VEA (2,8 tỉ đồng), GVR (1,2 tỉ đồng).
VINARE muốn thoái sạch vốn góp tại Bảo hiểm Petrolimex, thành viên HĐQT Kỹ nghệ Đô Thành đăng kí mua thêm cổ phiếu, muốn trở thành cổ đông lớn
Thống kê thông báo giao dịch đáng chú ý trên hai sàn, Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (mã: VNR) vừa đăng kí thoái toàn bộ 300.008 cổ phiếu PGI của Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex hiện sở hữu.
Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 15/10 đến 13/11 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Nếu lần bán ra này thành công, Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam sẽ giảm tỉ lệ sở hữu tại Bảo hiểm Petrolimex từ 0,34% về 0% và không còn là cổ đông của Bảo hiểm Petrolimex.
Trong một diễn biến khác, ông Tôn Chương Dương, thành viên HĐQT CTCP Kỹ nghệ Đô Thành (mã: DTT) có thông tin muốn mua 311.600 cổ phiếu DTT trong thời gian từ 14/10 đến 12/11. Dự kiến sau giao dịch, tỉ lệ sở hữu của ông Dương tại Kỹ nghệ Đô Thành sẽ tăng từ 3,82% lên 6,13% vốn điều lệ. Như vậy, ông Dương có thể trở thành cổ đông lớn của công ty.